Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Côn Đảo - Một ngày tháng Bảy

Thứ năm - 28/07/2011 10:27

Côn Đảo - Một ngày tháng Bảy

Rồi cũng đến một ngày mà tôi mong đợi. Ba mươi sáu năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tôi đã có dịp trở lại Côn Đảo. Năm 1975, sau giải phóng tôi đến “Địa ngục trần gian Côn Đảo “ bằng đường biển, đặt chân lên cầu tàu 914 với bao cảm xúc của lần đầu gặp gỡ địa danh được xem như vùng đất thánh thiêng liêng, một biểu tượng của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Lần này, tôi đáp xuống Sân bay Cỏ Ống - Côn Đảo sau đúng 30 phút cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất của Hãng hàng không Air MeKong.

Bây giờ là 12 giờ đêm của một ngày trung tuần tháng 7. Tôi đang thắp hương tưởng nhớ trên mộ chị Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương. Bầu trời đêm mênh mông, trong sáng một cách lạ kỳ. Nghĩa trang Hàng Dương khoảng 20 ha, nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước Việt Nam qua nhiều thế hệ bị tù đầy kéo dài suốt 113 năm, lặng lẽ hiện ra dưới ánh sáng của tuần trăng và bụi sáng của vô vàn tinh tú tụ hội về. Một nắm đất ở Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo là một dấu tích của biết bao sự kiện đấu tranh cách mạng, thấm đẫm máu của anh hùng, liệt sĩ có tên và vô danh. “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/Mỗi tảng đá là một trời đau khổ.. ”.Có lẽ không đâu gây ấn tượng tưởng niệm sâu lắng như ở đây - Nghĩa trang Hàng Dương mà tôi đang có mặt trong thời khắc chuyển giao giữa ngày và đêm này.

“ Nghĩa trang Hàng Dương vùi chôn bao số phận

   Hết lớp này, lớp khác dập lên trên

   Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên

   Không bia mộ, không tên và không tuổi…”

Được biết Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo được khởi công xây dựng và tôn tạo vào ngày 19/12/1992. Phải hơn 18 năm sau ngày giải phóng, với biết bao công sức, các cơ quan có trách nhiệm mới xác định và quy tập được 1.912 ngôi mộ, trong đó có tới 1.200 ngôi mộ vô danh, còn lại bao anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước khác vẫn mãi mãi lặng lẽ nằm sâu dưới lớp đất Hàng Dương. Cùng với những người viếng Nghĩa trang Hàng Dương đêm nay, sau khi thắp hương tưởng nhớ tại mộ nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, tôi mang hương tới thắp trên phần mộ các liệt sĩ khác. Tôi tìm mãi không thấy mộ của anh hùng Lê Văn Việt, tức Nguyễn Văn Hai. Hỏi ra mới biết mộ chị  Sáu ở Khu B còn mộ anh Hai ở Khu C. Trời đã về sáng. Dưới ánh sáng của những bóng đèn thắp bằng nguồn điện năng thông thường và nguồn điện năng mặt trời trong nghĩa trang, tôi nhờ cháu dẫn đường đưa sang Khu C tìm mộ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Hai…45 năm trước đây, tháng 10 năm 1966, một cuộc vượt ngục có một không hai trong lịch sử 113 năm nhà tù Côn Đảo đã nổ ra. Ba tù án tử hình là Nguyễn Văn Hai (chiến sĩ biệt động thành Sài Gòn - Gia Đinh), Lê Hồng Tư (lực lượng vũ trang Thành Đoàn Sài Gòn – Gia Định), Phạm Văn Dẫu (Quân giải phóng Gia Định) bị giam tại phòng cấm cố tù tử hình trong Trại II, nơi được duy trì chế độ an ninh nghiêm ngặt nhất, đã táo bạo trổ nóc nhà giam vào lúc nửa đêm rồi vượt tường trại giam ra ngoài. Trên đường vượt sang Núi Chúa, chạy tới Nghĩa trang Hàng Dương, mồm mũi còn tranh nhau thở, các anh Nguyễn Văn Hai, Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu đã dừng lại mặc niệm hương hồn các đồng chí đã ngã xuống. Giọng anh Hai rung lên trong tiếng nấc: ”Tôi vượt ngục được rồi. Các đồng chí sống khôn chết thiêng hãy phù hộ cho tôi. Tôi thề sẽ xé xác phanh thây thằng Chín Khương để các đồng chí được ngậm cười nơi chín suối “. Như một cơ duyên, 36 năm trước, ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng tôi đã được nghe kể chi tiết và đã viết về cuộc vượt ngục táo bạo có một không hai làm rung chuyển nhà tù Côn Đảo do anh Nguyễn Văn Hai khởi xướng. Số là, trưa 30 / 4/1975 theo chân các binh đoàn giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, thì chỉ mấy hôm sau tôi đã có dịp gặp chị Nguyễn Thị Châu, người yêu của anh Lê Hồng Tư vừa thoát khỏi nhà tù trưa 29/4/1975 và được chỉ định làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Quận 10, thành phố Sài Gòn - Gia Định. Tại phòng làm việc của mình, sau khi cung cấp tình hình những ngày đầu giải phóng của Quận 10, rất tự nhiên trong câu chuyện với tôi, chị Châu nhắc đến anh Lê Hồng Tư, chồng chưa cưới của chị. Tôi biết đến tên chị Châu qua lời kể của chị Phan Thị Quyên, vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi về lần hai chị được ra miền Bắc trong Đoàn đại biểu phụ nữ miền Nam. Lần ấy đúng ngày 19 - 5 - 1969 chị Nguyễn Thị Châu và chị Phan Thị Quyên được vinh dự vào thăm Bác Hồ. Bữa đó nghe đồng chí Vũ Kỳ ra đón nói: "Biết tin các đồng chí ra, Bác Hồ dành ngày này đón hai cháu miền Nam vào vui sinh nhật với Bác". Chị Châu và chị Quyên đã òa lên khóc. Bữa đó hai chị sung sướng được ở bên Bác suốt một ngày. Bác hỏi rất nhiều chuyện - chuyện riêng của Quyên và anh Trỗi, của Châu và anh Lê Hồng Tư, chuyện về phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Sài Gòn... Giờ đây, giữa những ngày đầu tiên sôi sục niềm vui của Sài Gòn vừa được giải phóng, chị Nguyễn Thị Châu - vị nữ Chủ tịch hết sức xinh đẹp của Quận 10, người mà trước đó tôi chỉ mới nghe tên, đã thân tình tiếp tôi, xúc động kể cho tôi nghe mối tình của chị với anh Lê Hồng Tư và cho tôi biết là đang chuẩn bị đi gặp anh Lê Hồng Tư cùng anh em tù chính trị nổi dậy giải phóng nhà tù Côn Đảo vừa được Đảng và Nhà nước đưa tầu hải quân ra đón về đất liền. Anh Tư và chị Châu cùng hoạt động trong phong trào học sinh sinh viên Sài Gòn. Chính anh Tư là người đã giác ngộ chị Châu, đã giới thiệu và thay mặt Đoàn cấp trên kết nạp chị vào Đoàn thanh niên lao động Việt Nam. Trong chiến đấu tình yêu giữa hai người nảy nở. Rồi anh Tư được lệnh lên chiến khu công tác một thời gian dài. Bữa chia tay, anh Tư ngỏ lời nhưng chị Châu thảng thốt từ chối. Lần gặp lại một năm sau đó và cũng là lần gặp cuối cùng trước khi anh Tư rồi cả chị Châu bị địch bắt, giam cầm, anh Tư đã dè dặt nhắc lại lời cầu hôn nhưng chị Châu vẫn ngượng ngập, bối rối chối từ. Trên bến xe bus Biên Hòa, trước khi xe nổ máy đưa chị Châu về lại Sài Gòn, nắm chặt tay và nhìn vào cặp mắt đang mở to chờ đợi của chị Châu, anh Tư đã nói, giọng xúc động: " Còn sống trên đời này, tôi còn giữ ý định thành hôn với Châu. Dù phải đi hết vòng quả đất để đến với Châu, tôi cũng sẵn lòng". Thế rồi chị Châu bị địch bắt. Từ tổng nha cảnh sát đến P.42 bí mật trong Sở Thú, về Chợ Quán, xuống bốt Lê Văn Duyệt, qua nhà tù Thủ Đức, về đề lao Gia Định rồi quay lại Tổng nha cảnh sát... và thật ngẫu nhiên chúng lại giam chị Châu vào đúng nhà B (trại giam Tổng nha) - nơi các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh đã sống những ngày cuối cùng trước khi ra tòa trong "Vụ án chấn động dư luận nhiều nhất từ xưa đến nay ở miền Nam" như hàng tít lớn trên trang nhất tất cả các báo Sài Gòn ra ngày 24 - 5 - 1962 . "Vịnh - Tư - Thành - Chính" - nét chữ các anh khắc trên mảng tường xi măng phòng giam còn đây.

 

Chị Nguyễn Thị Châu và các pv TTXVN những ngày đầu tháng 5 - 1975 tại nơi mà chị từng bị giam giữ ngay trước ngày Sài Gòn giải phóng

"Phiên xử của tòa án quân sự đặc biệt" của Ngô Đình Diệm sáng ngày 23 - 5 - 1962 đã tuyên án tử hình các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Lê Văn Thành, Huỳnh Văn Chính vì tội "mưu sát đại sứ Mỹ Nâu-tinh, ném lựu đạn vào các nhân viên Mỹ MAAG...". Chị Châu lấy kẹp tóc khắc vào tường ngục, ngay dưới hàng chữ: "Vịnh - Tư - Thành - Chính" hai chữ: "Tư - Châu". "Còn sống trên đời này tôi còn giữ ý định thành hôn với Châu. Dù phải đi hết vòng quả đất để đến với Châu, tôi cũng sẵn lòng". Trên đời này có lời cầu hôn nào chân tình, mãnh liệt đến thế ? - Chị Châu nghĩ - Ngày mai anh Tư sẽ hiên ngang bước lên máy chém (Luật 10/59 của bọn Diệm quy định xử tử hình những người chống đối chính quyền của chúng bằng máy chém thời trung cổ - nv). Anh ấy đã sống những ngày đẹp nhất, đã hiến dâng cho cách mạng cả cuộc đời mình. Bọn chúng kết án tử hình anh thì khác nào chúng kết án tử hình mối tình đầu của Châu. Đã thế Châu sẽ công khai nhận là vợ chưa cưới của anh cho chúng biết: Bọn chúng có thể kết án tử hình, có thể chặt đầu những người không may sa vào tay chúng. Nhưng lẽ sống và tình yêu của những người cách mạng thì chúng đừng hòng tiêu diệt nổi. Tối đó chị Châu xé miếng vải đen mấy chị vừa cho, cắt may cho anh Tư đôi quần đùi và kín đáo thêu trong gấu quần hai chữ " T.C " lồng vào nhau. Lời hứa hôn và vật làm tin của chị Châu đã tới tay anh Tư khi anh đang trong phòng giam cấm cố tù tử hình ngoài Côn Đảo. Người chuyển lời hứa hôn của chị Châu tới anh Tư chính là anh Phạm Văn Dẫu, tù tử hình cùng vượt ngục với anh Tư và anh Nguyễn Văn Hai trong vụ vượt ngục chấn động toàn Côn Đảo. Năm 1972, anh Phan Huy Vân (tên tật là Phan Trọng Tân) bị đày ra Côn Đảo và bị giam ngay cạnh phòng giam anh Tư. Xúc động trước mối tình của Lê Hồng Tư - Nguyễn Thị Châu đang được truyền tụng ngoài Côn Đảo, anh Phan Huy Vân đã tặng Lê Hồng Tư một bài thơ anh làm, gọi là thay lời Châu:

"     Gởi Anh,

   Anh ngỏ ý lần đầu

   Em ngập ngừng từ chối

   Trong lòng nghe vời vợi

   Biết nói sao cho cùng

   Đời cách mạng lao lung

   Miền Nam còn đau khổ

   Hỏi nữa, em làm thinh

   Giặc xử anh tử hình

   Trong xà lim em khóc

    Giận quân thù ác độc

    Em nói: Em vợ anh

    Anh ơi em vẫn tin

    Anh sống hoài, sống mãi

    Mặc cho án tử hình

   Bao lâu em vẫn đợi "

Thế rồi tối 12 - 5 - 1975, ba ngày trước Lễ mít tinh và diễu binh lịch sử mừng chiến thắng tại Sài Gòn, trên sân trường Hùng Vương - trạm đón tiếp các chiến sĩ Côn Đảo chiến thắng trở về, các anh Lê Hồng Tư, Lê Quang Vịnh, Trương Thanh Danh và những người bạn chiến đấu từng hoạt động ở Sài Gòn đang quây quần đàm luận thì chị Châu đến. Đang làm việc ở Ủy ban, hay tin chị tới thẳng luôn. Chị không quên gọi điện báo cho tôi như đã hứa, vì thế tôi đã may mắn có mặt đúng thời khắc thiêng liêng của mối tình hiếm có này.  Trời hơi tối, nhưng vừa thoáng nhìn anh Tư nhận ra chị Châu ngay. Với anh, chị Châu vẫn thế, nhất là đôi mắt. Hai người bước tới nắm tay nhau, rồi tự dưng cả hai cùng nở nụ cười. Nhưng bỗng chị Châu chớp chớp mắt, giọt lệ chảy dài trên má. Anh Tư bỗng nhớ đến đôi mắt và cái nhìn trìu mến của chị Châu trên bến xe Biên Hòa chiều nào. Kể từ buổi gặp ấy đến nay vừa tròn 15 năm...

"Còn sống trên đời này tôi còn giữ ý định thành hôn với Châu. Dù phải đi hết vòng quả đất để đến với Châu, tôi cũng sẵn lòng ". - Chiều đó, anh Tư đã thốt ra lời cầu hôn chân thành từ đáy lòng mình. Anh không có điều kiện đi hết vòng qủa đất, vì sau buổi gặp cuối cùng ấy bị địch bắt. Nhưng suốt 15 năm ở tù, trong đó trọn 13 năm bị đày đọa ở "địa ngục trần gian Côn Đảo" với cái án tử hình và ba lần chuẩn bị bước ra pháp trường, anh đã tình nguyện là "người đi đường không biết mỏi". Quãng đường mà anh đã chiến đấu, chiến thắng qua hàng chục nhà lao cấm cố, chuồng cọp, chuồng bò, hầm đá để trở về với Đảng, với dân còn lớn lao và gian khó hơn cả con đường vòng quanh trái đất mà anh sẵn lòng đi để đến với chị Châu...

Anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu đã làm lễ cưới vào đúng đêm trung thu đầu tiên khi Sài Gòn vĩnh viễn trở về trong lòng dân tộc. Tôi không tới dự đám cưới được vì trước đó không lâu đã phải tạm biệt anh chị để trở về công tác tại Tổng xã Thông tấn xã Việt Nam ở Hà Nội. Nhưng tôi được biết đám cưới rất vui và cảm động. Các anh Lê Quang Vịnh, Lê Minh Châu, Trương Thanh Danh,  Phạm Văn Dẫu (người chuyển lời hứa hôn của chị Châu đến anh Tư) và nhiều bạn chiến đấu từng hoạt động tại Sài Gòn, từng vào tù ra tội đã đến dự ngày vui của anh chị.

 

Anh Lê Hồng Tư và chị Nguyễn Thị Châu tại lễ cưới 17 - 8 -1975

Ngày cưới chị Châu 38 tuổi, còn anh Tư tròn 40 tuổi, mái đầu đã lốm đốm bạc nhưng nét mặt của anh chị vẫn tươi tắn, tràn ngập niềm vui hạnh phúc. Pháo nổ giòn tan (ngày đó chưa cấm đốt pháo) chúc cô dâu, chú rể "bách niên giai lão". Anh Lê Quang Vịnh miệng tươi cười mà mắt đẫm lệ, đứng lên chúc tặng cô dâu, chú rể một bài thơ đường luật:           

                                    Hai trái tim vàng, một mái tranh

                                    Mười năm nước lửa dập tan tành

                                    Nhà tù tố cộng giam cầm chị

                                   Tòa án ngụy quyền xử tử anh

                                  Tư tưởng nào hơn tình chiến đấu

                              Châu Trần sao sánh nghĩa trung thành

                                    Đêm thu, trăng sáng soi đầu bạc

                                    Tay nắm tay mừng, lệ chảy quanh

Những ngày đầu giải phóng gặp anh Tư, chị Châu tại Sài Gòn và nhiều lần gặp sau đó tại Hà Nội đã giúp tôi hoàn thành cuốn tiểu thuyết "TÌNH YÊU VÀ ÁN TỬ HÌNH" đã được Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành năm 1977 với số lượng lớn trên 15.000 bản. Trong cuốn tiểu thuyết tôi có dành một chương viết về cuộc vượt ngục táo bạo có một không hai từ khu cấm cố tù tử hình của các anh Nguyễn Văn Hai, Lê Hồng Tư và Phạm Văn Dẫu. Bữa làm việc lần cuối với anh Lê Hồng Tư trước khi đưa bản thảo tới nhà in, tôi có đoán chắc với anh Tư thế nào tôi cũng trở lại Côn Đảo thăm phòng cấm cố giam tù tử hình, nơi anh Hai, anh Tư và anh Dẫu bị giam cầm nhưng đã vượt ngục thoát ra được, và tới viếng mộ anh Nguyễn Văn Hai...

Vậy mà gần 36 năm sau, tôi mới thực hiện được ý nguyện của mình. Chiều nay, ngay sau khi đến Côn Đảo, tôi đã tới BAGNE (BANH) I là trại giam lâu đời nhất trong hệ thống nhà tù Côn Đảo, còn được gọi với các tên: Lao I, Trại Cộng Hòa, Trại 2, và sau cùng (11/1974) được gọi là Trại Phú Hải. Tôi đứng lặng trong phòng giam tù đặc biệt trong BANH I. Sau luật phát xít 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch xây tách từ phòng giam lớn ra một phòng giam đặc biệt để giam tù án tử hình. Tổng cộng từ đó tới năm 1975 đã có tất cả 250 tù tử hình bị giam ở đây, trong đó có các anh Nguyễn Văn Hai, Lê Hồng Tư, Phạm Văn Dẫu. Hiện trạng phòng giam vẫn giữ nguyên. Những chiếc còng sắt đêm ngày còng chân tù tử hình đã hoen gỉ. Từ bệ xi măng người tù nằm lên tới mái ngói cao tới 6 mét. Thật không sao có thể hình dung người tù bị còng chân suốt đêm ngày lại có thể trổ mái ngói thoát ra. Bệ xi măng trong phòng giam nơi anh Hai, anh Tư nằm, chiếc còng sắt hoen gỉ đã từng còng các anh còn đây. Mái ngói nơi các anh đã trổ nóc thoát ra vẫn còn kia... Phút chốc, cuộc vượt ngục hi hữu mà tôi đã nghe kể chi tiết và đã viết, như một cuốn phim quay chậm hiện ra...

                                                                         *

                                                                    *         *

...Thằng Chín Khương, cai ngục ác ôn khét tiếng nhất Côn Đảo xộc vào lao 2 cấm cố. Mặt mày phớn phở, sặc mùi rượu nó tới thẳng chỗ Tư và anh Hai.

- Hai này! - Hắn nói- mùa gió chướng rồi, mày tính chuyện vượt đảo chớ? Tao cuộc đó. Chỉ cần mày thoát khỏi bốn bức tường này, tao vái mày mọp đất.

- Anh Hai giọng nửa đùa nửa thật:

- Ông Khương ! Người xưa có câu "quân tử nhất ngôn", ông giữ lấy lời. Tối nay chúng tôi đi thật đó.

Thằng Khương cười ngất. Nó cho là anh Hai phụ với nó một câu cho vui. Nhưng những ai đã biết anh Hai thì thấy trong câu nói nửa đùa nửa thật đó một sức nặng ghê gớm. Anh Hai chính tên là Lê Văn Việt, một trung đội trưởng biệt động nổi tiếng của Sài Gòn. Gần Nô-en năm 1964, với khối thuốc nổ 250 cân, anh đã đánh sập ô-ten Brinh ở đường Hai Bà Trưng. Sau tiếng nổ long trời lở đất, bin-đinh Mỹ sáu tầng này chỉ còn một đống gạch vụn. Gần 400 lính Mỹ, trong đó có nhiều giặc lái máy bay vừa đặt chân tới Sài Gòn đã chết vùi xác. Sáng 27 - 3 - 1965  anh Hai tự lái ô tô, bắn chết lính gác rồi đun thùng xe có chứa khối thuốc nổ lớn vào tầng gầm nhà sứ quán Mỹ. Một tiếng nổ làm rung chuyển cả Sài Gòn...

Thằng Khương vừa đi một lúc thì trời nổi gió lớn. Mùa gió chướng đã bắt đầu. Ngay đêm ấy, cuộc vượt ngục được chuẩn bị kỹ lưỡng đã nổ ra. 12 giờ đêm, anh Hai, anh Tư, anh Dẫu mở khóa còng chân, công kênh nhau trổ nóc nhà giam thoát ra rồi vượt tường trại đầy mảnh chai, rào kẽm gai ra ngoài nhắm Núi Chúa chạy tới. Vì bị cấm cố từ ngày ra đảo nên cả ba đều không biết đường, quẩn quanh gần sáng mới đến được chân núi. Địch phát hiện và truy nã từ lúc 3 giờ sáng. Chúng siết chặt vòng vây quanh triền núi. Lê Hồng Tư đuối sức lạc đội hình bị bắt lại lúc 10 giờ sáng. Nguyễn Văn Hai và Phạm Văn Dẫu tìm được nơi ẩn náu an toàn, đêm lần xuống núi vào ẩn tại chùa Hòa Sơn Tự ngay trong thị trấn. Bằng kinh nghiệm của người lính biệt động, anh Hai nhận định địch bố phòng và truy tầm tù trốn hướng về phía núi, khe suối, bãi biển hơn trong thị trấn. Thế là anh kiếm được bộ quần cộc áo thun còn mới, chiều tà đóng bộ đi dạo từng đoạn đường để nắm tình hình tìm cách cướp xuồng vượt biển, dáng dấp cứ như một công chức, ít ai biết mặt một tử tù quanh năm cấm cố trong trại..

Cuộc đào thoát của số tù trọng án ở nhà lao cấm cố làm chúa đảo Nguyễn Văn Vệ và cai ngục ác ôn khét tiếng Chín Khương lồng lộn. Chúng cho tổ chức nhiều cuộc hành quân lục núi, phục kích các ngả đường, án ngữ các bãi biển suốt đêm ngày, cho sà lúp tuần tra quanh đảo và các hòn phụ cận. Những ngày đó, có đêm anh Hai đã xách con dao rừng mò vào tận nhà tên Chín Khương, nhưng phúc đời cho nó đêm ấy nó không ngủ nhà. Lính Mỹ đang xây đài Loran ở Cỏ Ống, bố phòng rất cẩn mật. Ngày thứ 8 của cuộc vượt ngục, anh Hai bị bắt trong lúc đột nhập vào một trạm gác để kiếm vũ khí và đồ ăn. Hai ngày sau anh Dẫu cũng bị địch vây bắt được. Chúng đưa tất cả về hầm đá Trại II, tra tấn dã man, chết đi sống lại rồi đưa về giam cấm cố. Tư ở bên anh Hai lúc anh hấp hối. Mắt anh nhìn đăm đăm vào mái nhà, nơi trổ nóc thoát ra bữa trước. Sau ngày tù tử hình vượt ngục, thằng Khương, thằng Vệ mang rào kẽm gai tới rào kín mái phòng giam cấm cố.

- Còn sống nhất định tôi sẽ vượt ngục được - Tư phải ghé sát mới nghe được tiếng anh Hai nói - Rào mái không hề chi, cắt dễ thôi. Xuồng ở cầu tàu có khóa, nhưng dễ mở. Anh ở lại, tổ chức anh em vượt ngục vào mùa chướng năm sau...

Anh Hai nấc mạnh, máu đen trào ra miệng. Tư lấy khăn lau nhưng anh Hai ra hiệu ngăn:

- Anh đừng lau, tôi chết lạnh từ dưới lên không qua nổi đâu. Anh còn sống về báo cáo với Đảng ở trong tù, tôi đã giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản... Giọng anh yếu dần: đời tôi chỉ mong được gặp Bác Hồ một lần, vậy mà không đạt được. Khi tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua toàn miền, mấy anh căn dặn tôi diệt thật nhiều Mỹ, ngụy để sớm được rước Bác Hồ vô thăm miền Nam. Tôi đã...

Chưa hết câu, anh Hai nấc mạnh lần nữa. Mắt anh nhắm nghiền. Tim anh đã ngừng đập. Tư cứ ngồi im như thế, nắm chặt bàn tay lạnh ngắt của anh Hai, như muốn truyền hơi ấm của mình sang anh. Một người như anh Hai, từng bao phen ra sống vào chết, nghe tên anh kẻ thù đã khiếp đảm, làm sao lại có thể tin ngay rằng anh đã vĩnh viễn ra đi...

Thằng Khương, thằng Vệ lầm lũi bước vào. Đứng trầm ngâm bên xác anh Hai, chẳng rõ chúng nói với nhau những gì. Chỉ thấy hai thằng cùng nhìn lên mái phòng giam,chỗ bữa trước anh Hai trổ nóc thoát ra. Rồi thằng Vệ thốt lên - không ra nói với ai cả: "Đi thế này, ngoài ông Hai, không ai đi được". Một lát sau nó lại bâng quơ: "Cách gì mà sứ quán Hoa Kỳ chẳng sập"...

Trái với lệ thường ở Côn Đảo, tù chết chỉ được bó trong bao bàng xơ xác kéo ra vùi ở nghĩa trang Hàng Dương, lần này thằng Khương, thằng Vệ ra lệnh cho tụi lính kiếm mấy miếng ván tốt đóng quan tài. Thằng Vệ, chúa đảo thân chinh chỉ huy việc chôn cất anh Hai, nó ra tận nghĩa địa đôn đốc tụi lính đào huyệt. Đắp đất xong, thằng Vệ dừng lại hồi lâu, mặt cúi gằm, thái độ kính trọng... Nhờ thế mà mộ phần của anh Hai còn nguyên vẹn, đêm ngày đỏ khói nhang và những dòng người đến viếng....

                                                       

Con đường nhựa mới phẳng phiu dài 30 km, chạy suốt chiều dài đông bắc - tây nam ven biển Côn Đảo đẹp mê hồn, đưa tôi tới sân bay Cỏ Ống. Tôi tạm biệt Côn Đảo trong một chiều nắng đẹp chan hòa. Từ trên máy bay nhìn xuống, tôi ngỡ ngàng trước tập hợp 14 hòn đảo xanh biếc giữa biển khơi dạt dào sóng vỗ và những bãi cát trắng mịn chạy dài tít tắp. Chẳng thế mà Côn Đảo được mệnh danh là "thiên đường du lịch" ; chẳng thế mà Tạp chí du lịch nổi tiếng Lonely Palanet của Anh đã đưa Côn Đảo vào danh sách 10 hòn đảo hấp dẫn và tốt nhất thế giới năm 2011 cho một kỳ nghỉ lãng mạn. Du lịch nghỉ dưỡng và tâm linh ở Côn Đảo đang cất cánh với những chuyến bay tấp nập cùng sự góp mặt của các hãng hàng không: Vietnam Airlines, Air Me Kong và VASCO. Nhưng lúc này đây tôi bỗng nhớ đến Nghĩa trang Hàng Dương, nhớ anh Hai , nhớ chị Sáu và bao anh hùng liệt sĩ đang yên nghỉ tại đấy. Tôi nhớ lao đá trắng, nhớ giọng hát trên đường ra pháp trường của chị Sáu và những bông hoa trắng cài trên mái tóc chị. Tôi nhớ hầm đá, chuồng cọp, chuồng bò, nhớ lao cấm cố, nhớ cầu Ma Thiên Lãnh , nhớ tiếng reo của rừng dương và tiếng cồn cào của sóng biển chiều chiều dồn trên các kè đá, cầu tàu...

*

*       *

Ở Côn Đảo về, tôi gọi điện báo với anh Lê Hồng Tư đã thực hiện được lời ước hẹn với anh từ hơn 30 năm trước. Anh Tư rất vui, và báo với tôi rằng anh đã thu xếp được tiền để xin tái bản cuốn tiểu thuyết "TÌNH YÊU VÀ ÁN TỬ HÌNH" tôi viết về mối tình của anh chị. Số là, tháng 10 năm 2010, anh Tư và chị Châu ra Hà Nội dự Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội có đến thăm tôi và ngỏ ý muốn xin tái bản cuốn "TÌNH YÊU VÀ ÁN TỬ HÌNH" để tặng bạn bè, vì chính anh chị cũng không còn cuốn sách nào. Anh Phạm Đức , nguyên Phó Giám đốc Nhà xuất bản Thanh Niên, người trực tiếp biên tập cuốn sách của tôi đã rất nhiệt tình giúp việc xin giấy phép tái bản. Nhưng khoản tiền mấy chục triệu để in ấn lại quá lớn với khả năng của anh Tư, vì thế đành gác lại. Hai anh chị đều là thương binh (anh Tư thương binh 2/4, chị Châu thương binh 3/4), cả hai đều đã về nghỉ, giờ sống bằng lương hưu và tiền thương tật. Con trai duy nhất của anh chị giờ làm Bí thư một phường ở Quận 10, nơi anh chị sống, sinh hoạt Đảng và tham gia các công tác xã hội. Anh Tư là phó Ban liên lạc các cựu tù chính trị Côn Đảo. Cuộc sống của anh chị hết sức khiêm nhường, thanh thản và nhiều niềm vui. Điều đó càng khiến quá khứ vinh quang của anh chị được ngưỡng mộ. Năm ngoái gặp lại anh chị và giờ đây nghe tiếng điện thoại reo vui của anh Tư, tôi biết anh chị sống rất hạnh phúc. Một điều ngỡ thật giản dị chợt đến trong tôi: Quá khứ vinh quang của một con người chỉ thực sự có ý nghĩa, khi trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay con người ta vẫn tiếp tục làm đẹp cho đời.

                                                   

Côn Đảo, trung tuần tháng 7 - 2011

Tác giả: TMH

Nguồn tin: toquoc.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây