Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Những cựu tù ở lại Côn Đảo - Bài 1: “Ta xây Côn Đảo nên đời thần tiên”

Thứ bảy - 25/04/2009 12:43

Cựu tù Huỳnh Thiện Hòa (người thứ hai từ trái sang) cùng đoàn cán bộ quân sự của Bộ Quốc phòng đi thực địa nghi

Cựu tù Huỳnh Thiện Hòa (người thứ hai từ trái sang) cùng đoàn cán bộ quân sự của Bộ Quốc phòng đi thực địa nghi
Những ngày đầu sau giải phóng, lực lượng công an của ta phải đối phó với 2.000 tù thường phạm án nặng và đảng Kỳ Lân phục quốc.
 

Trưa 30-4-1975, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bốn ngày sau, tàu chiến của quân giải phóng cập bến Côn Đảo. Chiều cùng ngày, đoàn cựu tù Côn Đảo đầu tiên gồm tử tù và người bệnh nặng xuống tàu về đất liền.

Tiếng còi tàu rúc lên. Những giọt nước mắt của cựu tù Côn Đảo rơi lã chã. Họ chậm rãi bước xuống tàu, bỏ lại sau lưng vùng đất Côn Đảo khét tiếng với địa danh địa ngục trần gian, nơi hơn 22.000 người con của tổ quốc đã ngã xuống vì độc lập tự do. Chuyến tàu chót đưa cựu tù về đất liền rời Côn Đảo ngày 16-5-1975. Tuy nhiên, vẫn còn đó những cựu tù ở lại bảo vệ và xây dựng Côn Đảo.

Truy bắt tù trốn trại

Thiếu tướng Châu Văn Mẫn - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Tổng cục III) nhớ lại, tàu của quân ta chưa ra đảo kịp thì Côn Đảo đã tự giải phóng rồi. Chúa đảo Lâm Hữu Phương cùng cố vấn Mỹ đã rút chạy từ chiều 29-4-1975. Lực lượng giải phóng nhà lao Côn Đảo và Ủy ban Cách mạng Côn Đảo lâm thời đã được thành lập.

Trên cơ sở nắm lý lịch hoạt động cách mạng cũng như ý chí đấu tranh trong thời gian giam cầm, Đảng ủy lâm thời Côn Đảo quyết định chọn một số người ở lại tiếp quản Côn Đảo. Một trong số đó có Châu Văn Mẫn.

Châu Văn Mẫn hoạt động nội tuyến trong lòng địch ở Dăk Lăk, do cơ sở không bảo vệ được nên bị lộ và bị bắt. Ngày bị bắt (4-4-1970), Châu Văn Mẫn vừa tròn 20 tuổi. Do không đủ tài liệu xét xử nên địch giam giữ Châu Văn Mẫn theo diện nghi can. Hồi đó quy định ai bị giam giữ 18 tháng trở lên thì tống vào Chí Hòa hoặc đưa ra Côn Đảo. Ngày giải phóng, Châu Văn Mẫn mới 25 tuổi.

Theo lời thiếu tướng Châu Văn Mẫn, sau giải phóng, lực lượng công an ở Côn Đảo có khoảng 150 người. Lúc đó, còn khoảng 2.000 tù thường phạm của chế độ cũ thụ án tù chung thân hoặc tử hình. Lợi dụng tình hình chộn rộn, nhiều phạm nhân đã chạy sang các hòn đảo nhỏ lẩn trốn. Anh em công an phải đưa thuyền đi từng đảo bắt lại.

Ngoài ra, lực lượng công an còn phải bảo đảm làm sao để không xảy ra đổ máu giữa những người trước đây thuộc hai trận tuyến. Thiếu tướng Châu Văn Mẫn giải thích thêm:

+ Vài tháng sau khi bình ổn được Côn Đảo, 2.000 tù thường phạm của chế độ cũ được chia thành nhiều nhóm. Số tội nhẹ thì tiếp tục ở lại lao động cải tạo. Số nặng thì chuyển về các trại giam ở các tỉnh bởi chính quyền cách mạng không muốn xây dựng một địa ngục trần gian thứ hai nữa.

Chống tàn quân và bọn cướp tàu

Trong những năm 1976-1977 đã xảy ra nhiều vụ cướp tàu. Thiếu tướng Châu Văn Mẫn kể:

+ Tàu Cửu Long của mình vận chuyển lương thực, hàng hóa và hành khách từ Cần Thơ ra Côn Đảo. Tàu vừa xuất bến từ Cần Thơ thì gặp bọn cướp tàu vượt biên. Bọn chúng nổ súng khống chế tàu. Trong chuyến tàu đó có trưởng công an huyện Côn Đảo. Anh này đã tổ chức lại anh em trên tàu và sử dụng đại liên 30 khống chế bọn cướp. Sau đó, công an từ đất liền ra chi viện thêm. Một số tên bị bắn chết, một số tên bị bắt. Toàn bộ hành khách an toàn ra đến Côn Đảo.

Cán bộ Ty An ninh Côn Đảo sau ngày giải phóng. Cựu tù Châu Văn Mẫn là người đứng ngoài cùng bên phải.

Không chỉ đối phó với bọn cướp tàu vượt biên, trong năm 1976-1978, lực lượng công an ở Côn Đảo còn đối phó với âm mưu chống phá cách mạng như hoạt động của nhóm lấy danh xưng là đảng Kỳ Lân phục quốc (“Kỳ” ám chỉ thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, “Lân” ám chỉ chuẩn tướng Bùi Thế Lân, tư lệnh sư đoàn thủy quân lục chiến). Bên cạnh đó là bọn tù thường phạm trốn trại, cướp súng đe dọa, giết người.

Sau thời gian làm cán bộ Ty An ninh rồi phó trưởng công an Côn Đảo, đầu năm 1981 Châu Văn Mẫn được vào đất liền khi ông đã ngoài 30 tuổi. Ông đi học nghiệp vụ, tiếp tục công tác, giữ chức giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và bây giờ là phó tổng cục trưởng Tổng cục III.

Tôi hỏi sao hồi trẻ ông có thể sống ở nơi đầu sóng ngọn gió Côn Đảo với tinh thần kiên định như vậy, thiếu tướng Châu Văn Mẫn chỉ cười và đọc hai câu thơ của cố Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Xuân Thủy khi ra thăm đảo cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh:

Ai xây Côn Đảo trần ai

Ta xây Côn Đảo nên đời thần tiên

Hy vọng đưa đảo nối đất liền

Cùng chí hướng xây dựng Côn Đảo như thiếu tướng Châu Văn Mẫn có không ít người từng là tù chính trị ở Côn Đảo, trở về đất liền rồi vài ba năm sau lại trở ra Côn Đảo. Trong số đó có Huỳnh Thiện Hòa. Sau ngày giải phóng, Côn Đảo hầu như không có một cơ sở kinh tế nào. Làm gì để phát triển Côn Đảo khi mọi nhu cầu đều chờ đất liền chi viện?

Cựu tù chính trị Huỳnh Thiện Hòa là người gắn bó máu thịt với Côn Đảo gần 20 năm, trong đó gần 10 năm trên cương vị chủ tịch UBND huyện Côn Đảo (từ năm 1991 đến 2000). Ông từ Côn Đảo về đất liền trong diện trao trả tù binh sau Hiệp định Paris nhưng rồi quyết trở ra đảo.

Ngày đó, Côn Đảo không còn cướp giật, trộm cắp nhưng vẫn còn hoang sơ, khắc khổ. Toàn đảo nhiều nhà cấp bốn, vài chiếc xe máy cũ kỹ và tuyệt nhiên không có xe hơi. Trường học thì sơ sài, học sinh không thích đến trường.

Ngày đó, ông Hai Hòa (tên gọi thân mật của cựu tù Huỳnh Thiện Hòa) đã đích thân đi từng nhà vận động phụ huynh cho con em đến lớp. Đường sá sình lầy, chật hẹp, phương tiện thông tin đại chúng chưa có. Một Côn Đảo cách trở đất liền ngày càng trở nên xa xôi hơn khi phương tiện giao thông, thông tin đều cũ kỹ, lạc hậu. Ông kể thêm:

Hy vọng xây dựng Côn Đảo khang trang hơn đã được ông Hai Hòa, các cộng sự và nhân dân cùng nhau vun đắp. Đến ngày ông về hưu, Côn Đảo đã có nhà xây, xe máy, đường nhựa chạy suốt từ Bến Đầm đến sân bay Cỏ Ống. Hệ thống thông tin liên lạc, truyền thanh, truyền hình đầy đủ.

Dù đã về hưu, người tù chính trị năm xưa vẫn luôn trăn trở làm sao để Côn Đảo có thể phát triển hơn nữa. Ông Hai Hòa luôn mong có một cơ chế đặc biệt với những chế độ, chính sách ưu đãi riêng cho Côn Đảo.

 

Côn Đảo gồm 16 hòn đảo với tổng diện tích 76 km2, cách Vũng Tàu 97 hải lý. Côn Đảo cũng hay dùng cho tên của hòn đảo lớn nhất trong quần đảo này. Sử Việt trước thế kỷ 20 thường gọi Côn Đảo là đảo Côn Lôn. Tên gọi cũ trong các văn bản tiếng Anh và tiếng Pháp là Poulo Condor.

Quần đảo Côn Lôn trước khi thuộc Pháp thuộc tỉnh Hà Tiên, sau giao cho tỉnh Vĩnh Long quản lý. Ngày 1-2-1862, đô đốc người Pháp Bonard ký quyết định thành lập nhà tù Côn Đảo. Tháng 9-1954, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên Côn Lôn thành hải đảo Côn Sơn và hai năm sau ký sắc lệnh thành lập tỉnh Côn Sơn. Sau Hiệp định Paris, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu lại đổi tên quần đảo này thành Phú Hải.

Sau giải phóng, Côn Đảo là đơn vị hành chính cấp tỉnh, thời gian sau lần lượt là huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Hậu Giang (tháng 1-1977), quận Côn Đảo thuộc đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo (tháng 5-1979) và từ tháng 10-1991 đến nay là huyện Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Hiện nay, dân số Côn Đảo khoảng 5.000 người với mật độ bình quân 60 người/km2. Huyện Côn Đảo không có cấp phường, xã, thị trấn. Dưới cấp huyện được phân thành chín khu dân cư.

 

 

 

Năm 1986, cựu tù chính trị Lê Quang Vịnh được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều động làm bí thư Quận ủy Côn Đảo. Trước khi đi, ông được Ban Bí thư,

Thủ tướng gọi tới và nói rõ muốn xây dựng Côn Đảo thành một thành phố trên biển. Lời dặn dò biến địa ngục trần gian ngày xưa thành thành phố giữa ngã tư quốc tế trên biển chưa được thực hiện thì ông Lê Quang Vịnh phải trở lại đất liền. Sau này, ông giữ chức trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ cho đến khi về hưu (năm 2003).

Nguồn tin: Pháp Luật TPHCM Online

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây