Sau giải phóng, có cựu tù ở lại xây dựng Côn Đảo một thời gian, có cựu tù được trả tự do trước giải phóng rồi quay lại Côn Đảo (Xem bài: 1). Và có những cựu tù đã chọn ở lại Côn Đảo cho đến ngày nhắm mắt.
Thời chiến tranh, tù chính trị khát khao thoát khỏi địa ngục trần gian Côn Đảo. Khi đất nước thanh bình, không ít cựu tù lại chọn mảnh đất chỉ có nhà tù, trại lính và nghĩa địa làm quê hương thứ hai.
Chỉ một câu nói, vợ đã theo chồng
Năm 1969, Phó Bí thư Đoàn thanh niên xã Đông Hưng (An Biên, Kiên Giang) Phan Hoàng Oanh trúng thương và bị địch bắt vào khám Kiên Giang. Qua nhà tù Cần Thơ đến trại giam Chí Hòa, ông bị đày ra Côn Đảo năm 1970 vì tội đấu tranh đòi dân sinh, đòi làm lễ kỷ niệm sinh nhật Bác trong khám.
Năm năm bị giam trong chuồng cọp, ông chịu đựng đủ mọi nhục hình dã man và tàn bạo không khác gì thời Trung cổ, hết bị châm điện, đổ nước xà bông vào miệng đến treo thúc ké ngược lên trần nhà, bị xiềng chân và bỏ đói.
Tin đất nước hoàn toàn giải phóng đến với Côn Đảo như một giấc mơ. Giây phút đó ông nghĩ tới cha mẹ, tới người vợ mới cưới năm tháng trước khi bị bắt, nhớ tới quê nhà Kiên Giang và hồi hộp nghĩ về giây phút sum họp gia đình.
Từng chuyến tàu lần lượt đưa những cựu tù về đất liền. Đến chuyến tàu chót, tổ chức yêu cầu những cựu tù khỏe mạnh ở lại tiếp quản Côn Đảo. Tình nguyện ở lại đảo làm công tác thanh niên, ông vội gửi theo tàu về đất liền bộ quần áo do cha mẹ sắm sửa và chiếc khăn tay cho gia đình biết làm tin.
Một năm sau giải phóng (năm 1976), ông về Kiên Giang thăm gia đình và lần đầu tiên gặp đứa con gái sáu tuổi. Tưởng ông ở lại, nào dè biết ông muốn dẫn vợ con ra Côn Đảo sinh sống, vợ ông dùng dằng: “Anh đã ở tù cực khổ tại đó rồi, giờ mình ra đó làm chi để phải xa mẹ, xa quê!”. Ông chỉ nói nhẹ nhàng một câu, bà lập tức khăn gói theo chồng ra đảo: “Anh tưởng mình đã hy sinh trong tù nhưng Đảng cứu sống anh rồi. Mình phải ra xây dựng Côn Đảo đền ơn Đảng chứ em!”.
Lấy chồng để ra Côn Đảo
Trước khi bị bắt đày ra Côn Đảo, ông Nguyễn Xuân Viên làm du kích xã Sơn Lãnh (bây giờ là xã Quế Long, huyện Quế Sơn, Quảng Nam). Cũng như ông Phan Hoàng Oanh, ông là một trong 200 cựu tù ở lại Côn Đảo.
Ngày ông về Quảng Nam dắt vợ ra đảo sinh sống, bà hoang mang: “Có phải cái chỗ có chung quanh là nước, giữa có đất phải không? Vậy nước lên thì chết sao?”. Ông cười xòa, lém lỉnh: “Nước lên thì chạy lên núi Chúa, không chết được”. Vậy là hai vợ chồng cùng đi!
Cựu tù Nguyễn Thi Ni (Tư Ni) tham gia cách mạng năm 1956. Làm liên lạc ít năm, bà đứng trong hàng ngũ biệt động thành. Năm 1971, bà bị bắt tại Gò Công, bị giải lên Thủ Đức rồi đày ra Côn Đảo.
Sớm được trao trả theo Hiệp định Paris vào năm 1974, sau ngày giải phóng, bà làm công tác phụ nữ tại TP.HCM nhưng vẫn đau đáu nhớ về nơi nhiều đồng đội của bà đã nằm lại.
Như có duyên nợ với Côn Đảo, năm 1983, bà gặp người bạn đời sau này là ông Đỗ Nam Hoàn - Phó văn phòng Tỉnh ủy Côn Đảo vào TP.HCM học chính trị tại Trường Nguyễn Ái Quốc. Ông quê ở Kiên Giang, là bộ đội tập kết ra Bắc, sau giải phóng tình nguyện ra Côn Đảo công tác.
Kể lại chuyện cũ, bà Tư Ni cười hồn hậu:
+ Thiệt lúc đó tui nghĩ sao hợp quá! Mình ra Côn Đảo sống, được hàng tuần thắp hương cho đồng đội đã hy sinh là một lẽ, rồi thế nào cũng gặp các đồng chí còn sống ra đây viếng mộ người đã khuất là lẽ nữa. Vậy là tui quyết định tới với ổng, rồi ra ngoài này sống luôn”.
Những ngày đầu khó khăn
Sau giải phóng, tình hình an ninh ở Côn Đảo rối ren do số tù thường phạm trốn trại đi trộm cướp. Những người làm công tác dân vận như cựu tù Phan Hoàng Oanh phải kiêm luôn lùng bắt tù, xong xuôi đâu đó mới tính chuyện bày cho dân cách đốn cây dựng nhà, cách trồng lúa, hoa màu. Ông kể:
+ Dân chủ yếu là vợ con lính ngụy, hồi đó chủ yếu sống bằng lương của chính quyền cũ nên họ không biết làm ăn gì hết. Phải nắm tay chỉ cách cắm từng cây lúa, cặn kẽ vậy họ mới biết cách làm nông nghiệp. Cũng may tôi vốn là con nhà nông nên rành việc để chỉ vẽ.
Bà Tư Ni ra Côn Đảo làm thư ký công đoàn. Bà nhớ lại hồi đó công đoàn phát động phong trào 30 kg rau xanh trên đầu người mỗi tháng, ai đạt chỉ tiêu sẽ được thưởng. Phong trào phát triển rầm rầm rộ rộ, có người thu hoạch cả tấn khoai lang, mỗi củ nặng cả ký. Riêng bà chết tên là người đầu tiên nuôi heo nhiều nhất Côn Đảo.
Số là lần đầu tiên thương nghiệp đưa heo con từ Cần Thơ ra vận động người dân Côn Đảo mua nuôi. Ai cũng ngại không dám mua, thương nghiệp thì không thể trả lại heo con về đất liền. Bà Tư Ni đánh liều gom góp, chạy vạy vay tiền mua nguyên bầy tám con heo con chở cả xe. Bà nuôi heo, gây giống rồi đem heo con bán lại cho dân cả đảo nuôi.
Một nén nhang cho đồng đội
Ông Nguyễn Xuân Viên được phân công làm văn hóa thông tin, sau đó chuyển sang làm trưởng ban quản lý di tích lịch sử nhà tù Côn Đảo. Ông kể hồi đó mộ liệt sĩ đều trẹt lét, hàng ngày ông nhặt đá đặt lên từng ngôi mộ để mộ khỏi mất dấu. Những hôm trời mưa gió, ông biết thế nào hài cốt đồng đội cũng nổi lên. Vậy là ông lặng lẽ mặc áo mưa, tay cầm đèn pin đi nhặt xương đồng đội.
Bây giờ, cứ hễ bà Tư Ni xách giỏ đi chợ thì thế nào mấy cô bán hàng cũng đon đả: “Bà Tư mua trái cây đi nghĩa trang nè bà Tư”, “Bà Tư mua nhang lên nghĩa trang hôn?”...
Mấy chục năm nay, tuần nào bà Tư cũng mua trái cây, nhang đèn lên thăm mộ đồng đội. Bà tâm sự: “Không lên thăm mấy chị thì nhớ lắm, tối về không ngủ được”. “Mấy chị” mà bà nói là bốn đồng đội từng bị giam chung với bà trong trại giam Phú Hải. Những lần thân nhân liệt sĩ ra Côn Đảo tìm mộ hay thăm mộ, bà đều mời về nhà mình nghỉ. Mỗi lần tiếp một thân nhân, bà lại nhận chăm sóc thêm một phần mộ họ gửi gắm.
Cũng giống bà Tư Ni, vợ chồng ông Phan Hoàng Oanh hàng năm vẫn làm hàng chục đám giỗ do người nhà đồng đội gửi gắm. Nhiều hôm bất chợt xem một vở kịch về chiến tranh hay nghe một bài hát về tình đồng đội, ông Oanh lại thấy nhớ đồng đội da diết. Bất kể đêm hôm hay mưa nắng, ông phăng phăng ra nghĩa trang Hàng Dương đốt một nén nhang.
Côn Đảo giờ đã chuyển mình, đã kết nối mạng Internet băng thông rộng, mỗi ngày đều có chuyến bay từ TP.HCM ra. Côn Đảo là một trong 21 khu du lịch quốc gia được đánh giá là thiên đường nghỉ dưỡng. Máu của những cựu tù hy sinh đã không lãng phí. Những cựu tù còn sống như bà Tư Ni, ông Oanh, ông Viên cũng không hổ thẹn với anh linh đồng đội.
Trải bọc ni lông trước mộ, bà Tư Ni run run xếp bánh trái, đốt nhang rồi thì thầm nói chuyện với tấm ảnh trên bia: “Em Tư Ni đây, em không quên lời thề trong tù: Người còn sống tới ngày thống nhất phải chăm sóc phần mộ của người hy sinh. Em ra thăm mấy chị... Chị Cúc, chị Xuân, chị Sáu..., mấy chị về ăn trái cây đi rồi về nhà em chơi ít bữa hẵng ra. Hồi đó ăn chung, ngủ chung, nhường nhau từng cái bánh. Giờ em ở nhà lầu, còn mấy chị nằm đây lạnh lẽo quá!”. Nói xong, bà đưa tay quẹt nước mắt. ___________________________________________ 14 giờ chiều nay (25-4), tại Côn Đảo, lễ tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ sẽ được tổ chức tại nghĩa trang Hàng Dương và cầu tàu 914. 20 giờ, chương trình giao lưu nghệ thuật Huyền thoại Côn Đảo sẽ diễn ra tại nghĩa trang Hàng Dương và được hai kênh VTV2, VTV4 của Đài truyền hình Việt Nam truyền hình trực tiếp. Từ ngày 21-4, đoàn đại biểu kiều bào ba thế hệ đã cùng một số cựu tù chính trị tham dự các chương trình viếng tượng đài và thăm nhà liệt sĩ Võ Thị Sáu, trao quà tình nghĩa tại huyện Đất Đỏ (Bà Rịa-Vũng Tàu), viếng nghĩa trang Hàng Dương, thăm di tích Côn Đảo... Chương trình là một trong những hoạt động cụ thể triển khai nghị quyết của Bộ Chính trị, chỉ thị của Thủ tướng về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài và chỉ thị của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm về ngoại giao văn hóa. QUỲNH TRANG |
Tác giả: Admin
Nguồn tin: Pháp Luật TPHCM Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn