Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Vẽ ảnh Bác trong “địa ngục” Côn Đảo

Chủ nhật - 22/05/2011 03:04

Vẽ ảnh Bác trong “địa ngục” Côn Đảo

Mỗi khi được ra ngoài, các tù nhân lại tìm cách mang về một hòn than hoặc ít nhọ nồi, dầu ăn… để làm chất liệu vẽ tranh. Những bức họa chân dung Bác Hồ ra đời trong hoàn cảnh ngặt nghèo ở nhà tù Côn Đảo, trở thành nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các tù nhân, khích lệ họ đấu tranh, khẳng định niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng.

Bác ở trong tim chúng con
Một ngày đầu tháng 5-2011, tôi nhận được điện thoại của ông Võ Huy Quang, một cựu tù Côn Đảo. Ông cho biết vừa mới từ quê Phan Thiết vào Thành phố Hồ Chí Minh để chuẩn bị tham gia cầu truyền hình trực tiếp, kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, do Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.

Những năm qua, ông Quang được giới truyền thông biết đến là một “pho từ điển sống” về cựu tù Côn Đảo, người có nhiều công lao sưu tầm, củng cố, xây dựng các tài liệu lịch sử về cựu tù Côn Đảo trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Ông cho hay, có một số hình ảnh, hiện vật quý về Bác Hồ sẽ được ông công bố trong chương trình cầu truyền hình trực tiếp nói trên. Chúng tôi đề nghị ông chia sẻ thông tin với Báo Quân đội nhân dân và được ông vui vẻ đồng ý. Ông hẹn gặp tôi tại một ngôi nhà ở phường Cầu Kho, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Quang cho tôi xem rất nhiều hình ảnh, hiện vật về Bác Hồ mà ông đã dày công sưu tầm trong hơn 30 năm qua. Một trong những bộ hiện vật quý giá được ông và một số cựu tù chính trị Côn Đảo thực hiện là những bức chân dung Bác Hồ được vẽ bằng bột than, nhọ nồi... trộn với dầu ăn. Ông kể:

- Tôi tham gia cách mạng từ năm 1949. Đến năm 1960 gia nhập đơn vị bộ đội C.430 thuộc Tỉnh đội Bình Thuận. Trong một trận chiến đấu diệt ác, phá kềm năm 1961, tôi bị địch bắt, kết án tử hình, bị đày ra Côn Đảo. Trong suốt 14 năm bị giam cầm, tra tấn ở “địa ngục trần gian”, tôi và một số bạn tù đã vẽ được 8 bức chân dung Bác Hồ. Những bức chân dung Bác được sử dụng trong tù như ngọn đuốc soi đường lý tưởng đấu tranh, tập hợp tinh thần đoàn kết, nêu cao chí khí cách mạng của anh chị em tù nhân.

Trong những năm tháng bị giam ở “chuồng cọp” Côn Đảo, khát khao của anh chị em tù chính trị là có được những lá cờ Đảng, cờ Tổ quốc và chân dung Bác Hồ để bí mật tổ chức Lễ kết nạp đảng viên, duy trì các nền nếp, chế độ sinh hoạt Đảng trong tù. Do không đưa từ ngoài vào được, các đồng chí trong Chi bộ Đảng ở “chuồng cọp”, “chuồng bò” Côn Đảo, trong đó có ông Quang, đã nghĩ cách vẽ chân dung Bác ngay trong tù. Một số tù nhân được ra ngoài lao động hoặc phục vụ ở bếp ăn đã bí mật lấy nhọ nồi, than củi và dầu ăn làm từ mỡ cừu đưa vào. Trong các căn hầm tối tăm, ông Quang với năng khiếu hội họa sẵn có, đã thực hiện các bức vẽ theo trí nhớ, sau đó được các đồng chí khác góp ý, chỉnh sửa, hoàn thiện. Ông Quang và các bạn tù thường vẽ chân dung Bác vào các dịp kỷ niệm ngày 19-5 hoặc 2-9 nhưng không phải năm nào cũng vẽ được. Suốt 14 năm chỉ vẽ được 8 bức, mỗi bức thể hiện Bác Hồ ở những giai đoạn, sự kiện lịch sử khác nhau. Những bức vẽ ấy sau đó được bí mật chuyển đến các đảng viên.

Ông Quang kể:

- Mỗi lần tổ chức kết nạp đảng viên, chúng tôi lấy bức vẽ chân dung Bác Hồ dán lên tường, dùng gạch non vẽ cờ Đảng, cờ Tổ quốc để làm lễ tuyên thệ. Những bức chân dung Bác làm cho các buổi lễ ấy trang nghiêm, long trọng, từ đó thổi bùng khí thế đấu tranh, tinh thần cách mạng trong tù. Ai cũng như thấy Bác Hồ luôn có mặt ở bên mình, trong tim mình. Người như ngọn đuốc soi đường, dẫn lối con đường đấu tranh cách mạng của đông đảo tù nhân ở “địa ngục trần gian”.

Ông Võ Huy Quang (bên trái) giới thiệu với phóng viên
những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ. Ảnh: PHƯƠNG NGA
Thiêng liêng kỷ vật
Những bức họa chân dung Bác sau đó được các tù nhân bỏ vào bọc ni-lông, bí mật đem chôn ở những vị trí khác nhau. Năm 1996, lần đầu tiên ông Quang cùng đoàn các cựu tù Côn Đảo ở Phan Thiết được trở lại Côn Đảo. Họ khấp khởi tìm đến những vị trí đã chôn giấu những bức họa chân dung Bác năm xưa. Lật tung những thớ đất, bụi cỏ, những đồng đội một thời vào sinh ra tử òa lên vui sướng khi những bức vẽ ấy vẫn nguyên vẹn. Tuy nhiên, họ chỉ tìm lại được 5 bức. 3 bức bị thất lạc đến nay vẫn chưa tìm được.

Ông Quang nâng niu bức họa chân dung Bác đề ngày vẽ là 2-9-1971 tại “chuồng bò” Côn Đảo, rồi kể với tôi giọng rưng rưng xúc động:

- Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi là vào ngày 2-9-1971, tôi được Chi bộ kết nạp Đảng ngay tại “chuồng bò” Côn Đảo. Tôi đã vẽ bức chân dung này, cùng các đồng chí đảng viên trang trí hình bàn thờ Tổ quốc lên bức vách nhà tù rồi dán bức tranh chân dung Bác lên đó. Phút giây tuyên thệ, tôi hạnh phúc trào nước mắt.

Mấy thập kỷ đã trôi qua nhưng với ông và các đồng đội ngày ấy, hình ảnh Bác và những ký ức máu lửa ở “địa ngục trần gian” vẫn như mới hôm qua. Những hình ảnh về Bác Hồ được ông giữ gìn như những vật “gia bảo” truyền đời của dòng họ, sao chép thành nhiều bản để các cựu tù chính trị Côn Đảo giữ làm kỷ niệm và trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo.

Hơn 30 năm qua, ông Võ Huy Quang đã sưu tầm hơn 10.000 hình ảnh, hiện vật, tư liệu về Bác Hồ, trong đó có nhiều tư liệu có giá trị. Nhân dịp kỷ niệm 121 năm Ngày sinh Bác Hồ và 100 năm Ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước, ông Quang đã tiếp tục hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh Bình Thuận) một số hiện vật quý về Bác.

Tác giả: Lữ Ngàn

Nguồn tin: Đại Đoàn Kết

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây