Biển Côn đảo


Những ngày nắng đẹp đi
thuyền trên rạn san hô quanh hòn bảy cạnh cho ta cảm giác như đang bơi
trên một bể cá khổng lồ. Tất cả mọi thứ bạn cần chỉ là biết bơi và một
chiếc kính lặn loại tốt. Khi đó ta đã có thể khám phá thế giới đầy màu
sắc của vùng biển san hô với hàng đàn cá nhiều màu sắc và những con sao
biển hay san hô sống. Vùng biển quanh Côn đảo trực thuộc vườn Quốc gia
Côn đảo nên được bảo vệ nghiêm ngặt. Cấm đánh bắt và neo đậu tàu
thuyền. Không có ở đâu bạn có thể tìm thấy những bãi biển sạch như ở
Côn đảo với nước biển xanh màu ngọc bích. Muốn thăm quan các đảo lân
cận ta phải xin phép vườn quốc gia, thủ tục cũng đơn giản.



Đi chơi đảo ta phải mướn tàu và có nhiều tuyến khác nhau tuỳ mình lựa
chọn nhưng còn tuỳ thuộc vào lượng khách mà có tàu hay không.Nếu bạn là
người ham mê câu cá thì Côn đảo là một nơi để bạn thỏa mãn niềm đam mê.
Có dịch vụ thuê thuyền buổi tối ra biển câu mực, hay thậm chí bạn chỉ
cần ngồi ở cầu tàu 914 cũng có thể câu được mực. Dọc con đường vòng
quanh đảo ta hay thấy những lối mòn đi xuống biển, đó là nơi dành cho
những người câu cá. Tại mũi Cá mập người ta thường thả câu để câu cá
mập. Ra bến Đầm là bến cảng chính của Côn đảo người ta có thể mua được
hải sản tươi của các thuyền đánh bắt xa bờ ghé Côn đảo.



Tắm biển ở Côn đảo thì có ba bãi tắm tuyệt đẹp và điều đặc biệt là bạn
sẽ không có dù hay ghế bố, nói tóm lại là tuyệt đối không có dịch vụ,
một điều bạn không thể tìm thấy ở những nơi khác.Bãi biển đầu tiên và
cũng là nơi bạn làm quen với sóng nước Côn đảo chính là bãi biển dọc
theo đường Tôn Đức Thắng, một bãi biển nông và không có sóng. Sáng sớm
và chiều tối có nhiều du khách tắm ở bãi biển này. Chỉ cần bước qua
đường Tôn Đức Thắng là tới.Bãi L ò Vôi ở khu vục nghĩa trang hàng Keo
cũng là một bãi biển đẹp, khi nước triều xuống bãi cát trải dài ra biển
hàng km và rất sạch. Ngồi trong rừng dương cổ thụ nghe tiếng gió rì rào
làm ta nhớ lại bãi sau của Vũng tàu thời xa xưa trước khi nó bị phá huỷ
vì du lịch.Bãi Đầm Trầu được coi là bãi biển đẹp nhất Côn đảo nhưng
đường vào hơi khó kiếm. Từ đường chính đến sân bay Cỏ Ống có một lối
mòn khoảng 1 km dẫn ra bãi biển với bãi cát min hình vòng cung hai đầu
là những ghềnh đá có rất nhiều hào. Có một con suối nhỏ chảy ra biển.
Lội ngược dòng lên thượng nguồn cũng là một trải nghiệm thú vị. Ngắm
bình minh từ mũi Ta bê hay hoàng hôn từ bãi Nhát là những việc mà ta
không thể bỏ qua khi đến Côn đảo



Rừng Côn đảo

Thác nhỏ rừng Ông Đụng
Rừng che phủ hầu như khắp Côn Đảo và được bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí
lấy củi cũng không được, Người Côn đảo đun bằng than hay gas đem từ đất
liền ra và trên đảo không có bán thịt thú rừng. Muốn vào thăm rừng ta
phải xin phép kiểm lâm và thủ tục cũng dễ dàng. Bạn có thể nhờ khách
sạn làm hộ. Rừng Ông Đụng có làm sẵn một con đường mòn cho du khách dẫn
đến bãi Ông Đụng trên đường đi có nhiều bảng chỉ dẫn và giới thiệu về
hệ động thực vật rừng mưa nhiệt đới trên đảo. Nói chung là cũng không
thú vị lắm vì rừng rậm và đường leo dốc khó đi.
Những cánh rừng
dương cổ thụ ven biển đem lại cho ta cảm giác thảnh thơi hơn nhiều.
Trên đảo có rất nhiều sóc đen và nâu. Bạn có thể thấy chúng trên cây
hay chạy ngang qua đường. Các loài chim cũng phong phú và không ai săn
bắn nên chúng tương đối dạn người. Đất đai trên đảo có vẻ không phù hợp
với hoa lắm nên chỉ có hoa ngủ sắc và một loài hoa tím li ti mọc đầy
ven đường. Nhờ một người bạn trên mạng tôi còn biết hoa ngũ sắc còn có
một cái tên khác là hoa Trâm ổi có nhiều trên Cao nguyên. Hoa súng nở
vào ban đêm và sáng sớm nên thời khắc đẹp nhất để ra hồ An hải là buổi
sáng.






Nhà tù Côn Đảo
Tự do ngoài ô cửa
Côn
đảo nổi tiếng với biệt danh "bàn thờ Tổ Quốc" là nơi lưu đầy nhưng con
người đấu tranh suốt cuộc chiến dành độc lập dài đằng đẵng hết Pháp rồi
lại đến Mỹ. Có thể nói di tích còn lại của nhà tù Côn Đảo chiếm gần hết
diện tích của thị trấn Côn đảo, mỗi góc phố mỗi con đường ta đều nhìn
thấy nhà lao. Tiếc rằng các nhà lao không mở cửa tự do cho khách thăm
quan. Nếu muốn bạn phải đăng ký và có hướng dẫn viên.
Cầu tầu 914
là nơi 914 con người đã chết để xây dựng cầu tàu này, đến với Côn Đảo
bạn sẽ phải quen với việc mỗi tảng đá, mỗi công trình xây dựng sẽ gắn
với một câu chuyện hay một mạng người. Ven đường hay cạnh các di tích
hay có những tấm bia kể với chúng ta một câu chuyện về tinh thần bất
khuất hay sự tàn bạo. Tất cả đã lùi vào quá khứ và Côn Đảo bây giờ là
nơi đẹp nhất mà tôi đã từng đặt chân tới.Đối diện với cầu tàu là nhà
lưu niệm Côn Đảo nơi tôi bắt đầu chuyến thăm quan các di tích. Nhà lao
và chuồng cọp Côn đảo là những gì mà tôi được học từ những năm học phổ
thông với tác phẩm "Bất khuất " của Nguyễn Đức Thuận. Cùng với một
hướng dẫn viên chúng tôi đi qua hết các nhà giam được xây dựng từ thời
Pháp cho tới các xà lim thời Mỹ. Cảm giác vào chuồng cọp đóng cửa ở một
mình 15'''' là một cảm giác khó có thể quên. Cái gây cho tôi ấn tượng mạnh
nhất vẫn là những khung cửa sổ với chấn song sắt. Từ trong nhìn ra
những người xưa đã ước mơ một ngày như chim sổ lống, được hít thở không
khí tự do




Mỗi mần non, hay rêu phong làm tôi nhớ lại truyện "Bất khuất" khi các
người tù ăn búp bàng non để có chất. Bàng có khắp nơi trên đảo với một
sức sống mãnh liệt cùng với rêu.Thiên nhiên đã làm phần việc của mình,
màu xanh đã trùm lên những đổ nát, chuồng bò, trại Phú Bình.... nhưng
tất cả vẫn còn cho sự minh chứng về sự tàn ác của con người
Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa Trang với các ngôi mộ quay về mọi hướng
Nghĩa
trang Hàng Dương là nơi ta lặng người vì sự vô danh của cái chết.Mỗi
ngôi mộ với chỉ duy nhất một ngôi sao đỏ là mỗi con người vô danh đã
nằm xuống đây , ở Côn Đảo này, 1900 ngôi mộ chỉ có khoảng 700 có danh
tính.Các ngôi mộ quay về các hướng khác nhau theo như vị trí khi bị vùi
lấp nhưng các bát nhang vẫn đầy chân hương, các anh không lạnh lẽo nơi
này.Những gốc dương già che chở các phần mộ và thiên nhiên tĩnh mịch ru
các anh trong cõi vĩnh hằng. Tại sao không gọi là nghĩa trang liệt sỹ
mà chỉ gọi đơn giản là nghĩa trang Hàng Dương? Trong nghĩa trang này có
quy tập cả các phần mộ của các tù nhân thường phạm. Cái chết công bằng
với tất cả. Những người ở đây còn có một mộ phần, còn 914 người đã chết
khi xây dựng cầu tầu mà ngày nay mang tên Cầu tầu 914 hay 356 người đã
mất trên công trường cầu Ma thiên lãnh. Còn lại ngày nay chỉ là những
tấm bia kỷ niệm tại công trường. Còn nhiều nữa những người đã chết vì
biển khơi vì bệnh tật và họ không có cả trong những con số thống kê. Cả
một buổi chiều tôi nghe tiếng thuyết minh tiếng được tiếng mất nhưng
đâu có gì quan trọng. Côn Đảo đã mang đến cho tôi một ấn tượng không
thể quên.

