Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Ra Côn Đảo nghe kể chuyện chị Sáu

Thứ sáu - 23/01/2009 00:02

Ra Côn Đảo nghe kể chuyện chị Sáu

"Mùa hoa lêkima nở, ở quê ta miền đất đỏ, thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng, đã chết cho đời sau. Người thiếu nữ ấy như mùa xuân. Chị đã dâng cả cuộc đời, đi chiến đấu với bao niềm tin, và chết vẫn không lùi bước...".

Câu hát ngân vang... ấm hồng nắng sớm, dòng người nối theo nhau viếng nghĩa trang Hàng Dương. Ai cũng biết, sáng sớm ngày 23.1.1952, chị Võ Thị Sáu đã bị thực dân Pháp hành quyết dưới chân núi Chúa. Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm và tấm gương hy sinh oanh liệt của chị Sáu mãi mãi bất tử như mùa xuân. Hàng năm, cứ đến ngày 23.1 (dương lịch), người dân Côn Đảo lại tổ chức cúng giỗ chị Sáu với nghi thức trang trọng dành cho thần nữ. Năm nay, giỗ chị Sáu nhằm ngày 28 Tết, không quản ngại xa xôi cách trở, bà con từ đất liền sắm lễ hành hương ra đảo... nghe kể chuyện chị Sáu.

Chuyện xưa, chuyện nay...

Tuyến độc đạo từ sân bay Cỏ Ôậng vào trung tâm thị trấn Côn Đảo khoảng chừng 30 cây số, men theo sườn núi, mép biển... Phố đảo trông ra đại dương, mặt tiền là đường Tôn Đức Thắng - trước đây chỉ có dinh chúa đảo và một số công sở ngự trị, còn bây giờ đã mọc thêm nhiều nhà hàng, khách sạn... Dạo một vòng, chỉ vài giờ đã quay lại vị trí xuất phát, nhưng phải mất nhiều ngày mới đọc hết những bảng vàng gắn trước vô số di tích lịch sử. Người Côn Đảo nói với tôi rằng: "Đất Côn Đảo thấm đẫm máu anh hùng, chất chồng xương chiến sĩ... Có thể tìm thấy bằng chứng tội ác của chủ nghĩa thực dân, đế quốc trong từng viên sỏi, hạt cát, bụi cây...".

Nhà trưng bày hiện vật lịch sử Bảo tàng Côn Đảo được bố trí trong dinh chúa đảo, đã có 53 đời chúa ngục sinh sống tại khu nhà này; tất thảy tướng, tá, quan chức cao cấp từ Pháp đến Mỹ đều có mặt tại đây để hội họp, bàn bạc kế hoạch triển khai những thủ đoạn hành hạ, tra khảo tù nhân man rợ nhất. Thật đích đáng, bởi lẽ bây giờ đến đây, có thể nhìn thấy sự thật phơi bày tội ác và cả sự bất lực của kẻ thù.

Theo chỉ dẫn của người quản lý hệ thống di tích lịch sử Côn Đảo, chúng tôi nhìn thấy những chồng "sổ đen" ghi danh tính tử tù chất đầy kho lưu trữ. Hơi thở bỗng ngưng đọng và cổ họng khô cứng khi đối diện với "nhật ký" giám sát cuộc xử bắn tù nhân ngày 23.1.1952, dòng thứ 2 tính từ dưới lên, viết bằng bút mực: "Võ Thị Sáu, số thứ tự 195, số tù G.267, bị xử bắn lúc 7 giờ..."; người kế tiếp là "Hồ Văn Năm, số thứ tự 196, số tù G.248", cũng bị xử bắn cùng giờ, cùng ngày với chị Sáu.

Hầu hết CBCNV Ban quản lý di tích Côn Đảo đều kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn viên du lịch. "Hướng dẫn viên" của chúng tôi hôm ấy tên là con gái của một binh sĩ ngụy từng làm việc dưới thời chúa đảo thứ 53- trung tá bộ binh Lâm Hữu Phương, đã "cao chạy xa bay" theo Mỹ. Đó là một phụ nữ có giọng nói rất vang, khi thuyết minh như lên đồng, chị giải thích: "Nếu chưa xem bút tích liên quan đến sự kiện chị Võ Thị Sáu bị hành hình, sẽ có sự nhầm lẫn về thời gian chị Sáu hy sinh, càng không hiểu vì sao có nhiều huyền thoại về những tấm bia mộ của chị Sáu ở nghĩa trang Hàng Dương". Quả thật, trước mộ chị Sáu hiện có đến 3 tấm bia và một trong những tấm bia ấy ghi nhầm ngày mất của chị Võ Thị Sáu là 23.12.1952.

Ông Bảy Oanh - cựu tù chính trị, nguyên là Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo - nhớ lại: "Thua đau trên chiến trường Đông Dương, thực dân Pháp đã xử bắn hàng loạt tù chính trị để trả thù. Năm 1952, bọn chúng xử bắn 32 chiến sĩ cách mạng tại nhà tù Côn Đảo, chiếm 56,4% số tử tù bị hành quyết tại đảo suốt 9 năm kháng chiến (từ 1946-1954). Riêng trong tháng 1.1952, chúng xử bắn 3 đợt, gồm 16 người, trong đó có chị Võ Thị Sáu. Dưới thời thực dân, đế quốc, rất nhiều người bí mật làm bia mộ cho chị Sáu, sự nhầm lẫn nói trên có thể do thói quen tính thời gian theo âm lịch".

Chị Võ Thị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Vũng Tàu-Côn Đảo. Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt tề ở chợ quê gần nhà mình. Hơn 1 năm bị giam cầm trong khám Chí Hòa, "nếm" đủ thứ đòn roi và đủ "mùi" tra tấn..., nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù.

Tháng 4.1951, thực dân Pháp đưa chị Sáu ra tòa án binh xét xử. Phiên tòa không có luật sư, không có công chúng, chỉ với sự hiện diện của 2 tên tay sai hội tề làm nhân chứng với bồi thẩm đoàn, công tố và hiến binh, nhưng chánh án vẫn kết tội "Võ Thị Sáu tham dự vụ giết hại các nhà chức trách ở Đất Đỏ" và tuyên án tử hình. Lúc bấy giờ, bản án tử hình người con gái chưa đến tuổi thành niên đã gây xôn xao dư luận trong và ngoài nước, kẻ thù run sợ không dám xử bắn chị Sáu tại Sài Gòn.

Sáng 21.1.1952, chị Sáu bị lính lê dương còng tay, áp tải xuống một chiếc tàu chở hàng Tết ra đảo. Trong 9 năm kháng chiến, đây là nữ tử tù đầu tiên, duy nhất và trẻ tuổi nhất bị giặc Pháp xiềng chặt vào boong tàu... đưa ra Côn Đảo hành hình! Sáng sớm ngày 22.1.1952, chị Võ Thị Sáu có mặt tại Côn Đảo, chúa đảo Jarty khét tiếng khôn ngoan, xảo quyệt..., không dám đưa người con gái nhỏ bé này về giam chung ở nhà banh mà cách ly tại xà lim sở Cò. Thời điểm ấy, chỉ còn đúng 5 ngày nữa là đón giao thừa, nhưng chúa đảo vẫn quyết định xử bắn tù nhân".

Không ai nhớ có bao nhiêu tấm bia đã dựng trước mộ chị Sáu. Bia đầu tiên do kíp tù thợ hồ ở khám 2, banh 1 đúc bằng xi măng, được bí mật dựng lên ngay tối hôm chị Sáu hy sinh. Ngày hôm sau, chúa đảo Jarty đích thân dẫn lính lên đập nát bia và cào bằng ngôi mộ. Nhưng, ngay hôm sau, mộ chị Sáu lại được đắp cao hơn cùng với tấm bia mới. Thời Pháp cũng như thời Mỹ- Ngụy, mỗi khi mở chiến dịch tố cộng, bọn cải huấn liền tìm cách kích động... đập phá bia, mộ chị Võ Thị Sáu để hạ uy thế tù chính trị. Rất kỳ lạ, tấm bia này vừa bị đập, lập tức hôm sau tấm bia khác lại "mọc" lên. Rất vui vì tham gia dựng lại bia, mộ chị Sáu còn có nhiều người là vợ, con của cai ngục, giám thị, binh sĩ ngụy...

Bà Phan Thị Tư - 72 tuổi là vợ một công chức làm việc ở Côn Đảo trước ngày giải phóng - kể rằng: "Người dân Côn Đảo không thể nào quên hình ảnh ngôi mộ chị Sáu được chất cao bằng hàng ngàn viên đá, hàng vạn chân nhang và lớp lớp hoa rừng... Từ lúc chị Sáu mất đến bây giờ, chưa khi nào trước mộ chị tắt khói hương và vắng hoa tươi. Chị Sáu linh thiêng lắm, xưa nay, từ già đến trẻ, bất kể ta hay tây đều tin ở lời thề... có chị Sáu chứng giám!".

Năm 1975, mộ chị Sáu đã được xây dựng lại khang trang, đàng hoàng bằng đá hoa cương, nhưng trước mộ chị hiện vẫn còn tấm bia do vợ chồng thiếu tá Tăng Tư - Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn phụng dựng từ năm 1964. Tôi hiểu, đó là chứng tích một huyền thoại lịch sử sống mãi giữa đời thường.

"Người thiếu nữ ấy như mùa xuân..."

Ngày 23.1, đến bất cứ chỗ nào ở Côn Đảo cũng nghe kể chuyện chị Sáu. Chị Thanh Mai - cùng gia đình từ TP.Hồ Chí Minh ra Côn Đảo viếng mộ chị Sáu - hóm hỉnh nhận xét: "Nếu tính đúng, tính đủ... đến năm nay, Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu đã 76 tuổi, ngày chị qua đời cách đây tròn 57 năm, nhưng không ai gọi là bà Sáu hay cô Sáu".

Trước mộ chị Sáu, dưới tán cây lêkima, chúng tôi lắng nghe và "nằm lòng" huyền thoại về loài cây mà chị rất yêu thích. Rằng, không ít người đem cây lêkima từ đất liền ra trồng gần mộ chị. Dễ có đến hàng chục cây lêkima đã được trồng xuống nghĩa trang Hàng Dương, nhưng chỉ khi bứng 1 cây lêkima từ quê hương Đất Đỏ, bà con mới nhận được tín hiệu của nữ thần - cây bén rễ rất nhanh, cành lá xanh tươi, trổ hoa trắng muốt... Cây lêkima này kết thân cùng chị Sáu đã mười năm có lẻ, vậy mà dáng vẻ vẫn nguyên thì con gái, tán lêkima sum sê toả bóng mát, nhưng chưa bao giờ vượt quá cao so với tầm mộ chí.

Từng đoàn người thành kính vào nghĩa trang Hàng Dương dâng hương hoa, trước khi dự đại lễ tại nhà tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu ở trung tâm huyện đảo. Chủ tịch huyện Côn Đảo Phan Hòa Bình làm chủ lễ với phong thái của người em trai cúng giỗ chị. Ông Phan Hòa Bình tâm sự: "Ba năm trước, công việc đầu tiên mà tôi làm ngay sau khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo là viếng mộ chị Võ Thị Sáu. Giỗ chị Sáu đúng dịp đón xuân, cả huyện tề tựu bên người chị tinh thần, cùng ôn lại truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của dân tộc và hứa với tiền nhân, không làm điều gì tổn hại thanh danh Côn Đảo...".

Tác giả: Admin

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4.5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây