Cô gái Côn Đảo Trương Ái Vân (26 tuổi) - hướng dẫn viên du lịch của vườn - thử sức vượt rừng đêm để làm người dẫn đường. Còn chúng tôi - hai cô gái Sài Gòn - háo hức được nếm cảm giác thú vị đi rừng Côn Đảo đêm tìm biển.
Học rừng trong đêm
Du khách có thể đến Côn Đảo tham gia các tuyến du lịch sinh thái rừng biển bằng tàu hoặc máy bay. Tàu khởi hành vào buổi chiều tại Vũng Tàu với giá 85.000-150.000 đồng/khách, thời gian đi 10-12 giờ. Tháng 4 là thời điểm biển êm nhất. Từ TP.HCM - Côn Đảo có hai chuyến bay mỗi ngày. Muốn đi tuyến băng rừng tắm biển Ông Đụng, đăng ký tại phòng du lịch sinh thái vườn quốc gia Côn Đảo. |
Sau cơn mưa, dốc đất và đá càng thêm trơn trượt. Gần một giờ thở hổn hển với đoạn dốc lên Sở Rẫy, chúng tôi đến đỉnh dốc khi trời đã nhá nhem. Đây là một khoảng trống rộng hơn 20ha, trước năm 1945 thực dân Pháp bắt tù nhân khai phá rừng để trồng hoa màu, phục vụ cai ngục, cai tù người Pháp và đày ải người tù khổ sai. Vết tích còn lưu lại là hai ngôi nhà bằng đá. Hiện nay đây là vườn trồng gây giống bảo tồn những loài cây quý hiếm, đặc hữu của rừng Côn Đảo.
Leo lên tháp canh, toàn bộ thị trấn Côn Đảo lên đèn lung linh nằm gọn trong tầm mắt. “Ban ngày, du khách còn được thích thú ngắm đàn khỉ về ăn cơm do công nhân trồng rừng “mời” mỗi ngày hoặc hoa quả của khách” - Ái Vân cho biết.
Đêm. Chúng tôi tiếp tục phần đường gay go: tuột dốc về bãi Ông Đụng. Một tiếng động lớn khiến cả ba giật mình. Thì ra một chú heo rừng lao qua rồi mất hút vào bóng đêm. Rừng rậm rạp, dốc trơn trượt, chúng tôi nối bước nhau trong ánh đèn pin tù mù. Ái Vân chốc chốc phải dừng lại định vị hướng đi làm tăng thêm phần hồi hộp. Cả nhóm té lên té xuống mấy bận lấm lem sình đất...
Ở những điểm dừng đặc biệt, ánh đèn pin của cô hướng dẫn can đảm đem đến cho chúng tôi những khám phá rừng đêm thú vị: này là bộ dây leo khổng lồ đang ra sức thôn tính cây cổ thụ, kia là những bộ rễ vạm vỡ trồi lên mặt đất với hình thù lạ mắt… Kiến thức về rừng nhiệt đới được bổ sung qua những trang sách rừng thật to được thiết kế đặt dọc đường đi như “Tại sao gọi là rừng nhiệt đới?”, “Công nhân của rừng” (câu chuyện về loài kiến), “Những nhà máy trong rừng” (loài mối)…
Học đêm với trang sách rừng - Ảnh: T.Oanh |
Chỉ mang ảnh về, và để lại dấu chân!
Nghe có tiếng sóng biển, Ái Vân tự tin: “Giờ nhắm hướng biển thẳng tiến thôi”. Vượt qua những bãi đá mênh mông, trạm kiểm lâm Ông Đụng hiện ra trước mắt.
“Ai? Đi đâu?”, ánh đèn pin của chúng tôi làm bác Nguyễn Hải Thiệp, người kiểm lâm có 20 năm làm bạn với rừng, cảnh giác. Dù đã được nhận thông tin trước về chúng tôi nhưng bác cứ nghĩ chúng tôi sẽ đi theo đường dành cho tuyến sinh thái một ngày (khoảng 20 phút) nên sẽ đến từ rất sớm. Ông lắc đầu: “Từ trước đến nay chưa có nhóm khách nào đi đêm, nhất là toàn con gái”.
Trong đêm Côn Đảo, chúng tôi được xem các loài ốc được nuôi bảo tồn tự nhiên trên các bãi đá. Vợ chồng bác Thiệp chỉ cho chúng tôi phân biệt các loài ốc quắn, ốc sả, ốc ngọt... qua hình dáng của vỏ ốc, quá trình phát triển. Một điều thú vị: ở bãi Ông Đụng có thể đào giếng nước ngọt ngay sát mép biển...
Tiếng chim rừng véo von kéo chúng tôi dậy thật sớm. Biển rất đẹp và hoang vắng. Đeo kính lặn, ống thở, chúng tôi được ngắm thế giới đại dương đầy màu sắc sinh động ở những rạn san hô, những đàn cá lội tung tăng. Trong nước biển ấm, thả hồn ngắm bình minh xuất hiện sau rặng núi.
Làm khách thêm buổi sáng ở trạm kiểm lâm, chúng tôi cùng vợ chồng bác Thiệp và Lâm - kiểm lâm viên công tác tại trạm hòn Bảy Cạnh tăng cường sang Ông Đụng để bảo vệ rùa biển - leo dốc về lại thị trấn. Vừa hàn huyên chia tay, những người ở rừng không quên nhặt rác của du khách xả dọc tuyến về.
Anh Lâm dặn: “Không được mang gì ngoài những tấm ảnh và không để lại gì ngoài những dấu chân” khi chúng tôi rời bãi Ông Đụng. Anh nói thế nhưng chúng tôi đã “lén” để lại rất nhiều tình cảm của mình với Côn Đảo và cả những người bạn của rừng của biển mới quen...
Tác giả: Admin
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn