Ngày nay, Côn Ðảo là địa chỉ du lịch hấp dẫn đông đảo du khách trong và ngoài nước, bởi nhiều di tích lịch sử cách mạng, gồm: Khu nhà lao, Bến Cầu tàu, Nghĩa trang Hàng Dương và nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hòn Cau và Ðầm Trầu; Miếu Bà và Miếu Cậu... Ðặc biệt, ngày giỗ Bà Thứ phi Phi Yến và Anh hùng Võ Thị Sáu -trở thành lễ hội chung của người dân xứ đảo.
Nơi từng là 'địa ngục trần gian'
Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo
Ðưa chúng tôi đi thăm Nghĩa trang Hàng Dương, anh Nguyễn Hùng rủ rỉ kể: 'Dân số ở Côn Ðảo gần sáu nghìn người, nhưng nghĩa trang có ngót nghét hơn 22 nghìn người nằm xuống. Vậy là người cõi âm còn nhiều hơn người trần đang sống'... Thắp nén nhang thơm tưởng nhớ Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà chí sĩ yêu nước Nguyễn Văn Ninh, Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, cùng hàng nghìn chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, chúng tôi lặng người xúc động, thấm thía những mất mát, đau thương trong công cuộc đấu tranh gìn giữ độc lập non sông.
Côn Ðảo còn có tên gọi Côn Lôn. Thực dân Pháp lập nhà tù Côn Ðảo ngày 1-2-1862, biến hòn đảo xinh đẹp này thành 'địa ngục trần gian', dưới sự cai trị hà khắc của 53 tên 'chúa đảo', trong khoảng thời gian 113 năm (1862-1975). Nhà tù Côn Ðảo là chứng tích hùng hồn, tố cáo chế độ độc ác, tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc, thực dân với phong trào yêu nước của dân tộc ta. Mỗi địa danh nơi đây đều ghi đậm những dấu ấn đau thương. Ðể xây dựng cây cầu Ma Thiên Lãnh trên đèo Ông Ðụng, những người tù nhẩm tính đã có 356 người ngã xuống nơi này vì lao dịch, tù đày, đói khát và đòn roi. Tương tự vậy, Bến Cầu Tàu 914, dài gần 100 m, được xây dựng từ năm 1873, đã chứng kiến nỗi cực nhục đầu tiên của những người bị đưa ra Côn Ðảo tù đày. Con số 914 được đặt tên cho cầu, cũng do người tù nhẩm tính số người tù ngã xuống trong quá trình khổ sai xây cầu. Chị Trần Thị Vịnh, thuyết minh của Bảo tàng Côn Ðảo đọc chúng tôi nghe bài thơ ghi nhớ sự hy sinh đối với mỗi liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh:
Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Ðất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ...
Côn Ðảo đang hồi sinh...
Thiên nhiên ưu đãi nơi đây nhiều danh lam thắng cảnh, với 16 đảo lớn, nhỏ luôn rực rỡ sắc biển, mầu trời và bao truyền thuyết kỳ thú, như: Hòn Tài, Hòn Trác, Hòn Vung, Hòn Anh (Hòn Trứng Lớn), Hòn Em (Hòn Trứng Nhỏ); Hòn Trai; Hòn Tre Lớn, Hòn Tre Nhỏ...
Với bờ cát mịn trải dài dưới chân vách đá dựng nên muôn hình hài. Bãi Ðầm Trầu ở Côn Ðảo là nơi có phong cảnh tuyệt đẹp. Ðịa danh Bãi Ðầm Trầu và Hòn Cau bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa, câu chuyện về mối tình oan nghiệt của một đôi trai gái yêu nhau nhưng không thể lấy nhau vì họ là anh em cùng cha, khác mẹ. Quá đau buồn vì tình yêu đôi lứa không thành, chàng Cau đã bỏ nhà đến một hòn đảo cách xa chốn cũ hơn 10 dặm để ẩn dật cho đến khi chết. Nơi chàng nằm xuống bỗng mọc lên một hàng cau xanh tốt quanh năm... Lại nói về nàng Trầu, khi chàng Cau bỏ quê hương ra đi, ngày ngày nàng Trầu ra vách đá nơi hẹn hò khi xưa chờ đợi, ngóng trông mỏi mòn. Cho đến khi rõ sự thật thì nàng quá tuyệt vọng gieo mình xuống nước, nơi nàng trẫm mình, vì thế, có tên là Bãi Ðầm Trầu.
Bãi Đầm Trầu - Côn Đảo
Những người cao tuổi thường kể cho con cháu nghe truyền thuyết về Hòn Bà và Cậu Côn Lôn. Bà ở đây là bà Phi Yến, vợ của chúa Nguyễn Phúc Ánh (Nguyễn Ánh), tục gọi là bà Lê Thị Răm. Và Cậu, chính là Hoàng tử Hội An, con của bà Phi Yến và Nguyễn Ánh, tức Hoàng tử Cải. Chuyện rằng, vào cuối thu năm 1783, Nguyễn Ánh, bôn đào ra Côn Ðảo để tránh nhà Tây Sơn. Vì thất bại liên tục nên ông có ý định đưa Hoàng tử Cải theo Bá Ða Lộc sang nước Pháp làm con tin để cầu viện. Biết chuyện, bà Phi Yến không bằng lòng đưa Hoàng tử đi và khuyên Nguyễn Ánh không nên cầu viện 'cõng rắn cắn gà nhà'. Nghe vậy, Nguyễn Ánh nghi bà Phi Yến có ẩn ý thông đồng với nhà Tây Sơn, nên đã tống giam bà vào một hòn đảo hoang vắng. Ðịa danh Hòn Bà có từ đó... Còn Hoàng Tử Cải, khi đó mới năm tuổi. Thuyền sắp nhổ neo, cậu khóc lóc thảm thiết đòi mẹ, nếu không có mẹ sẽ không đi. Trong cơn nóng giận và hoảng loạn, Nguyễn Ánh đã sai cận thần ném Hoàng tử xuống biển. Ngày hôm sau khi thủy triều xuống, người dân trên đảo đã tìm thấy thi thể Hoàng tử và đem cải táng, lập nên Miếu Cậu. Do bà Phi Yến có tên tục là Răm, Hoàng tử có tên là Cải, nên người thời ấy mới lưu truyền câu hát: 'Gió đưa cây cải về trời/Rau răm ở lại chịu đời đắng cay'.
Bà Phi Yến, lúc này mới 25 tuổi, với nhan sắc rực rỡ đã làm mê đắm bao chàng trai. Một đêm nọ, tên đồ tể của làng An Hải là Biện Thi không ngăn nổi lòng tà dâm đã lén chui vào phòng bà Phi Yến. Bà thức giấc, hô hoán mọi người đến trói lại. Tuy nhiên, để giữ vẹn toàn danh tiết, bà đã tuẫn tiết. Ðức bà Phi Yến đã nêu cao tấm gương ái quốc, không chịu đồng lõa với những hành động có tội với lịch sử.
Ngày nay, người dân trên đảo tôn thờ hai vị liệt nữ là bà Phi Yến và Anh hùng Võ Thị Sáu như là hai vị nữ thần bảo hộ cuộc sống cho họ. Hằng năm tổ chức giỗ bà Phi Yến vào ngày 18-10 âm lịch tại An Sơn Miếu nơi thờ bà. Giỗ Liệt sĩ Võ Thị Sáu vào ngày 18-10 dương lịch.
... và phát triển
Sau 35 năm giải phóng, Côn Ðảo đang hồi sinh. Anh Nguyễn Minh Thủ, Trưởng Ðài Phát thanh - Truyền hình Côn Ðảo kể rằng: 'Ðất lành chim đậu'. Từ khi giải phóng đến nay, cư dân của 55 tỉnh, thành phố đã tới Côn Ðảo làm ăn, sinh sống mang theo sự đa dạng phong phú của nhiều nền văn hóa với phong cách ẩm thực khác nhau. Tuy nhiên, dù khác nhau về quê hương bản quán, nhưng đã đến Côn Ðảo, nơi chung quanh là biển cả bao la, mọi người trở nên thân thiện, gần gũi, gắn bó, đùm bọc cưu mang nhau vượt qua những khó khăn thường nhật hằng ngày.
Thu nhập của người dân trên đảo bình quân gần 18 triệu đồng/năm (tương đương gần 1.000 USD). Thị trấn Côn Ðảo không còn hộ nghèo theo tiêu chí cũ, nhưng do nằm giữa biển khơi, hàng hóa phải vận chuyển từ đất liền, nên giá cả nơi đây khá đắt đỏ. Vì vậy, có một số ý kiến đề nghị nâng mức chuẩn nghèo lên cao hơn để phù hợp với tình hình địa phương.
Do sự ưu đãi của thiên nhiên, rừng Côn Ðảo xanh tốt với nhiều loại cây gỗ quý, như: lát hoa, bời lời, sao đen, cẩm thi, săng đào, dầu lá bóng... Về hải sản, Côn Ðảo có nhiều loại có giá trị kinh tế cao, như cá nhám, cá hải sâm, đồi mồi, vích... Từ thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên với hệ sinh thái hết sức đa dạng và phong phú về rừng và biển cùng nhiều di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh xinh đẹp, năm năm qua, cơ cấu kinh tế của thị trấn Côn Ðảo chuyển dịch dần theo hướng phát triển dịch vụ, du lịch. Tỷ trọng ngành dịch vụ, du lịch mỗi năm chiếm 70%; 30% còn lại thuộc về các khu công nghiệp và nông nghiệp. Nhiều dự án lớn đang được triển khai tại Côn Ðảo. Có 12 dự án đầu tư nước ngoài với tổng nguồn vốn 52 triệu USD; sáu dự án của các nhà đầu tư trong nước, gồm 780 tỷ đồng; dự án nuôi cấy ngọc trai, vốn 2,8 triệu USD... Ở Côn Ðảo hiện có ba mạng điện thoại di động phủ sóng trên toàn đảo; bình quân có 51 máy điện thoại cố định và 42 điện thoại di động/100 dân; Ðài Phát thanh - Truyền hình Côn Ðảo đã tiếp và phát được năm kênh truyền hình của Ðài Truyền hình Việt Nam và địa phương tạo sự phong phú đa dạng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, văn hóa đối với cán bộ, nhân dân và khách du lịch.
Côn Ðảo đang chuyển mình trước bình minh một ngày mới.
Tác giả: Lê Phương Hiên
Nguồn tin: Báo Nhân Dân
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn