Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Chí thép giữa “địa ngục trần gian” (Kỳ 2)

Thứ năm - 13/12/2012 07:17

Trong điều kiện lao động khổ sai, bị canh giữ ngặt nghèo nhưng chỉ một thời gian ngắn hàng chục mét khối gỗ, hộp sơn, hàng trăm ký nhựa đường, gần một nghìn bộ quần áo tù đã được huy động. 5 chiếc thuyền tự chế với đầy đủ buồm, chèo, lương thực, nước ngọt, đảm bảo cho khoảng 200 người đi đã hoàn thành. Cuộc chuẩn bị vượt ngục quy mô lớn nhất trong lịch sử nhà tù Côn Đảo vẫn giữ được bí mật đến phút chót. Điều kỳ diệu khó tin ấy đã diễn ra như thế nào?

Đường đi Bến Đầm (ảnh tư liệu)
Đường đi Bến Đầm (ảnh tư liệu)
Kỳ 2: Bí mật đào hầm, âm thầm làm thuyền

“Công trường” trong lán tù nhân

Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Phạm Quý Tuyển bảo rằng, muốn tìm hiểu về việc đào hầm, làm thuyền thì hỏi ông Phan Du và Hoàng Tiễn, hai người chỉ huy trực tiếp của kíp làm đường tại Bến Đầm. Ông Phan Du, nhân vật chính trong tác phẩm “Vượt Côn Đảo” của nhà văn Phùng Quán hiện nay sống ở Hà Nội nhưng gần đây đã yếu, không nhớ được nhiều. Theo lời hẹn với ông Tiễn, ngay sau chuyến đi vào TP Hồ Chí Minh và ra Côn Đảo, tôi về nhà ông ở xóm 2, xã Bình Kiều, Khoái Châu, Hưng Yên.
Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà ông là khu vực Đài tưởng niệm “Nhớ mãi chiến sĩ Côn Đảo” với chiếc bia đá ghi lại sự kiện ngày 12-12-1952 đặt trang trọng trong khuôn viên gia đình. “Năm 1979, tôi bỏ ra 23 triệu đồng để làm Đài tưởng niệm này. Có nó, như nhắc nhở tôi luôn nhớ về một thời sinh tử ở Côn Đảo, về 81 đồng đội đã mãi mãi không về từ sau cuộc vượt ngục ấy” - ông Tiễn xúc động mở đầu câu chuyện.
- Làm được 5 chiếc thuyền lớn trong nhà tù mà vẫn không bị lộ, ắt hẳn phải có một “công trường” đặc biệt và bí mật. Nó được đặt ở đâu, thưa bác? - Tôi sốt ruột hỏi:
- “Công trường” như cậu nói đặt ngay tại lán ở của kíp làm đường.

Thấy tôi trố mắt chưa hiểu, người cựu tù rành rọt kể: Thực ra kế hoạch đào hầm bí mật, đóng thuyền vượt biển được định ra từ sớm vì Đảo ủy đã có được thông tin trước về ý định làm đường của chúa đảo. Nên khi địch cho tìm nơi dựng lán, những tù nhân là cán bộ quân sự của ta đã chọn một gờ đất cao không có đá tảng giữa mũi Cá Mập và vịnh Bến Đầm. Lán rộng 6 mét, dài 30 mét được quây kín bằng tranh, tre chỉ để một cửa cạnh trông sang trại lính Âu Phi gần đó. Khi làm lán trại để ở, chúng tôi kết hợp với việc làm thuyền vượt biển. Cây song với danh nghĩa về đan sạp nằm nhưng thực tế là chẻ ra đan mê thuyền. Sạp nằm trong lán chính là mê thuyền dài 8 mét, rộng 4 mét. Những đoạn gỗ tre làm thang sạp được cưa cắt theo kích thước thiết kế của con thuyền, những cây song to uốn lại quanh mép sạp cũng tính toán vừa đủ cho cạp thuyền. Xà nhà cũng có độ dài và đường kính của cột buồm. Các bộ phận của khung thuyền, thanh ngang, thang dọc đều được làm giả khung giường và lắp gá dưới giường chờ ngày hành sự thì nhanh chóng chuyển thành thuyền.
60 năm trước nơi đây là “công trường” làm thuyền vượt biển trong lán tù nhân. Ảnh: Trần Hoàng.

Khi làm lán xong thì phải tổ chức đào hầm để cất giấu những thứ không thể kết hợp công khai. Ban ngày, anh em lao động cực nhọc khổ sai nhưng cứ tối đến từ 18 giờ đến 22 giờ, từng kíp phân công thay nhau đào hầm dưới gầm lán. Lúc làm hầm, anh em bên trên ca hát để che lấp tiếng cuốc xẻng đào hầm thình thịch phía dưới. Đào hầm, chống hầm được làm như kiểu đào chống lò than vì trong số tù nhân có một số người đã từng là thợ mỏ Quảng Ninh. Đất được san đều ra nền nhà rồi ngụy trang phía trên bằng đất cũ, rải sỏi. Sau một vài ngày đất đổ cao dần, không chuyển được ra ngoài vì sợ lộ, anh em lại tự làm sập giường lán và yêu cầu bọn lính cho sửa vào những ngày chủ nhật. Nhân đó mà chuyển bớt đất ra ngoài. Bằng cách ấy trong nhiều ngày liên tục không nghỉ, anh em đã chuyển được hàng trăm mét khối đất ra ngoài và đưa vào hàng chục mét khối gỗ để chống hầm và đóng thuyền. 
Khó khăn lúc này là phải có hàng nghìn bộ quần áo để khâu lại thành tấm lớn, quét sơn, hắc ín để bọc thuyền. Đảo ủy đã huy động quần áo tù nhân từ các khám và chuyển đến theo một đường dây bí mật. 
- Còn sơn và hắc ín ta lấy ở đâu? - tôi hỏi. 
- Một phần chúng ta bí mật “ăn bớt” trong quá trình làm đường. Còn lại do gia đình tù nhân cung cấp. Phần lớn sơn do đồng chí Đoàn Duy Thành dùng vàng để mua.
Câu chuyện dùng vàng mua sơn làm tôi nhớ đến cuộc gặp trước đó với ông Đoàn Duy Thành. Ông Thành kể rằng, trong những ngày ông bị địch bắt và chuẩn bị đợi tàu ra đảo, Thành ủy Hải Phòng qua Chi bộ Căng tù Đoạn Xá đã gửi cho các ông 3 nghìn đồng tiền Đông Dương, phục vụ cho các hoạt động trong tù. Ông Thành đã gửi mua 10 chỉ vàng, đánh thành 10 cái nhẫn. Để tránh bị phát hiện, chỉ có hai cách: Cắn vàng bẹt ra, rồi nuốt vào bụng, khi đại tiện thì… tìm lại hoặc bẻ ra, gắn vào quy đầu rồi tuốt da xuống. Bằng cách này, ông Thành và đồng đội đã giữ được 9 chỉ vàng mang ra Côn Đảo. Một phần trong số vàng này đã góp phần quan trọng mua sơn, vải và các phương tiện vượt ngục.

Còn một chi tiết khác liên quan đến việc sơn thuyền mà tôi có nghe ông Phạm Bạt Tụy kể. Đó là hồi ấy, Banh 3 của ông Tụy được chúa đảo giao sơn lại hệ thống cửa ở khu nhà ở của trại lính. Nắm bắt thời cơ này, Đảo ủy giao cho ông phải tìm cách để “ăn bớt” sơn. Nhờ khéo léo che mắt địch, trong 8 tháng, bộ phận của ông Tụy đã lấy được 70 hộp sơn, bí mật chuyển ra Bến Đầm. Có lẽ số sơn này cộng với phần ta mua được bằng vàng đã đáp ứng được yêu cầu hoàn thiện 5 chiếc thuyền vượt ngục.
Theo thiết kế thì những chiếc thuyền này phải có độ dài 8 mét, rộng 4 mét, thuyền được bọc vải sơn không thấm nước. Nhưng khi đến công đoạn sơn vải bọc thuyền lại một tình huống nữa đặt ra, đó là mùi sơn. Nếu không xử lý kịp thời thì địch chắc chắn sẽ nghi ngờ và phát hiện ra. Sau nhiều lần bàn bạc và thử nghiệm, anh em đã tìm ra một cách là khi sơn chỉ cần đốt lá khô lấy ở rừng về thì sẽ át được mùi sơn. Ma-tít cũng được tự tạo bằng xơ đay, vôi và dầu luyn. Cuối cùng chúng tôi cũng hoàn thành hai thuyền đan bằng tre và song, 3 thuyền khung bằng tre gỗ và đan cạp song, bọc vải sợi. Chuẩn bị đầy đủ vải sơn bọc thuyền và vải làm buồm đã khâu sẵn. Lèo, lái, cột buồm, tay cọc chèo đầy đủ cho 5 chiếc thuyền. Lương thực, thực phẩm, nước ngọt dụng cụ đồ nghề cũng chuẩn bị đầy đủ, sẵn sàng, chờ ngày khởi sự.

Các “chiêu” chuẩn bị và tình huống thót tim

Cùng với làm thuyền, nhiều phần việc khác chuẩn bị cho phương án vũ trang giải thoát cũng được thực hiện khẩn trương và bí mật. Tất cả các khám tù, kíp tù đều lựa chọn những phần tử trung kiên, thành lập các đội tự vệ xung kích. Khi đi làm khổ sai, các tổ vũ trang xung kích đều bám sát mục tiêu, đối tượng, nắm vững tình huống. Giờ nghỉ anh em tập võ thuật, chiến thuật tay không bắt địch, tập vượt rào, vượt tường dưới các hình thức thể dục, thể thao như kéo co, đánh vật, nhảy cao, nhảy xa, chồng người vượt xà, tập trói lính, tập ném hỏa mù sao cho trúng mắt đối phương. Ông Tiễn nhớ lại: “Có những ngày nghỉ cùng lính ra bờ biển tắm chúng tôi lợi dụng lúc này tập vật với nhau ở bãi cát, bọn lính thấy hay cũng vật với anh em, thành ra ta được tập vật với đối tượng thật để biết được mạnh yếu ra sao”.
Các chiến sĩ trong đội xung kích còn tự trang bị dây trói chắc chắn làm dải rút quần, chuẩn bị muối ớt, muối tiêu như đồ ăn, sẵn sàng thành vũ khí hỏa mù bịt mắt đối phương. Kíp làm đá bí mật lấy được gần hai chục kíp mìn. Anh em còn cải tạo hàng chục thùng phi sắt tây để đựng nước ngọt, làm phao, hàng trăm mũi mác xung kích và phương tiện khác. Đảo ủy còn thành lập hẳn một bộ phận chuyên làm công tác binh địch vận. Do 91% quân số địch đồn trú trên đảo là lính Âu Phi nên bộ phận binh địch vận được tập trung bồi dưỡng kiến thức về địa lý châu Phi, về đất nước, con người, phong tục tập quán một số nước ở khu vực này. Từ đó gieo vào lòng những người lính xa xứ nỗi nhớ quê hương và tâm lý chán ghét chiến tranh, đồng cảm với các dân tộc cùng chung ách áp bức của thực dân Pháp. Hoàng Bách tức Nguyễn Văn Nhã, một đại diện của khối tù binh đã viết bài thơ “Anh lính da màu” tặng người lính “quê hương tận xứ Phi châu xa vời”…
Tương quan lực lượng giữa ta và địch trong nhà tù Côn Đảo vào thời điểm diễn ra cuộc vượt ngục như sau: Địch có 104 lính Âu-Phi, 10 sĩ quan và thủy thủ Pháp, 47 giám thị người Âu. Cộng thêm mấy chục giám thị và công chức người Việt thì lực lượng địch có hơn 200 tên. Trong khi đó, Côn Đảo lúc này có 548 tù binh và 1.739 tù án. Quá nửa số tù án là những chiến sĩ trong lực lượng vũ trang kháng chiến.
Ngừng một lát, ông Hoàng Văn Tiễn lại hào hứng: Công tác chuẩn bị phải rất chặt chẽ và bí mật, Đảo ủy lãnh đạo chung, ở từng bộ phận lại tổ chức thành các chi bộ, tổ đảng, đơn vị chuyên môn. Bộ phận làm đường tại Bến Đầm chúng tôi có 100 người được Đảo ủy quyết định thành lập Chi bộ do anh Phan Du, Đảng ủy viên nhà tù làm Bí thư, tôi làm Phó bí thư. Về quân sự, chúng tôi thành lập một đại đội mang tên “Quyết thắng”. Theo dự kiến, trận đánh diễn ra lúc nghỉ lao động trên đường về trên đoạn đường rộng 8 mét, dài 200-300 mét. Đại đội phân công cứ 3 người bám và bắt một lính. Tập đi, tập lại chúng tôi thấy nếu chỉ đơn thuần dùng chiến thuật “tay không bắt địch” có lẽ vẫn chưa chắc thắng vì lính Âu phi rất to khỏe, lại có đầy đủ vũ khí, trang bị mang theo, quân ta mặc dù số người áp đảo nhưng tay không mà lại thấp bé nhẹ cân. Sau chúng tôi thử nghiệm và quyết định kết hợp dùng cách “ức chế bộ hạ” để đốn ngã, bắt trói và tước vũ khí địch.

Có một lần, công việc làm thuyền đang tiến hành, vật liệu ngổn ngang, miệng hầm đang mở thì viên quản Bóc-đờ-sun vào cửa lán. Lập tức một người cất tiếng hô lớn: Gác-đờ-bu (đứng nghiêm). Mọi người đứng nghiêm sát lại nhau che kín miệng hầm. Viên quản vui vẻ chào lại, anh Phan Du khoe và dẫn hắn ra xem giàn mướp trĩu quả trước cửa sân lán.
Tất cả công tác chuẩn bị đã hoàn thành, chỉ chờ hai yếu tố thời cơ quan trọng khác là gió chướng và có tàu hàng của địch ra đảo. Đợt gió chướng thứ hai bắt đầu thổi vào những ngày cuối tháng 11. Theo dự kiến nếu đợt gió này kéo dài, toàn đảo sẽ khởi sự vào trưa 4-12 (ngày có lịch tàu chở hàng ra đảo). Tuy nhiên một sự biến “thót tim” khác lại xảy ra khiến kế hoạch giải thoát suýt bại lộ. Tên phản động Hoàng Minh (tức Hoàng Minh Giác) đã tố giác âm mưu vượt đảo, chỉ điểm cho địch bắt Phan Cơ, đại diện kíp làm đá, phát hiện anh giấu kíp mìn trong nón bàng. Phan Cơ bị tra tấn ba ngày liền, không khai báo. Hoàng Bách, đại diện kíp làm đường cũng bị chỉ điểm, bị phạt xà lim ba tháng. Tên quan hai Gác-đét đưa lính ra, tập hợp toàn bộ kíp Đầm điểm danh, khám xét rất kỹ lưỡng khu vực lán trại, từ mái nhà, vách tường đến giường nằm, nền nhà. Tình thế rất căng thẳng. Bí thư Phan Du ra hiệu cho các đội xung kích chuẩn bị. Trường hợp địch xăm trúng hầm là phát lệnh tấn công luôn. May sao, địch không phát hiện được gì. Nếu địch phát hiện ra căn hầm nơi cất giấu 5 khung thuyền lớn với hàng chục hộp sơn, hàng trăm ký nhựa và rất nhiều phương tiện, lương thực, thực phẩm, vũ khí tự tạo thì tai họa sẽ ập xuống toàn đảo.

Dù tình huống “thót tim” đã qua nhưng nguy cơ bị lộ là mối đe dọa thường trực trong những ngày căng thẳng ấy. Đảo ủy quyết định lùi lại một tuần nữa để theo dõi địch tình và chờ đợt gió chướng tiếp theo sẽ hành sự…

Tác giả: TRẦN HOÀNG TIẾN

Nguồn tin: www.qdnd.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây