Mãi mãi ngàn sau tỏa ngát hương!
Nhà tù Côn Đảo, nơi từng được xem là “địa ngục trần gian”, đã giam giữ hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng, trong đó có các nhà lãnh đạo đất nước như Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Thanh Nghị; các nhà chí sĩ yêu nước như Nguyễn An Ninh, Hoàng Quốc Việt, Phan Chu Trinh, Võ Thị Sáu...; các quý nhân sĩ, tu sĩ yêu nước như hòa thượng Thích Trí Hiền, Thích Minh Nguyệt, Tăng Phô, Thích Hạnh Tuệ, Thích Như Chánh...
Sự kiên cường, bất khuất, sự kiên trung với đất nước với nhân dân của các nhà cách mạng, tù nhân chính trị, tù binh vượt ngục đã hy sinh vì đại nghĩa, một lòng quyết tử cho Tổ quốc được trường tồn đã tạo nên một bảo tàng lịch sử vô giá cho các thế hệ hôm nay và mai sau học tập.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Trung ương Giáo hội Phật giáo VN ghi nhớ rằng: “Xác ai ngã xuống đất này/Cho hoa dân tộc ngày ngày xinh tươi”. Hòa thượng nhấn mạnh trong ý nghĩa duyên khởi của Pháp giới, âm siêu dương thới, nhất là tinh thần tri ân và báo ân, Đại lễ cầu siêu cầu nguyện cho anh linh các anh hùng, chiến sĩ cách mạng, những tù nhân chính trị luôn được thảnh thơi trong cõi tịnh lạc an lành bất diệt. “Nơi đất đảo thân yêu, các anh hùng liệt sĩ hãy an nghỉ cho ngàn thu in bóng, mảnh hình hài hòa quyện với non sông, sẽ sống mãi trong lòng dân tộc, trong trang sử rạng ngời của đất nước Việt Nam”.
Sự tri ân ngày hôm nay cũng là truyền thống uống nước nhớ nguồn, tất cả cùng mong muốn làm một việc gì đó để báo ân đối với sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, chia sẻ sự mất mát đau thương với gia đình các chiến sĩ, cũng như biết ơn các cựu tù chính trị, tù binh vượt ngục còn sống sót đến ngày hôm nay. Tất cả cùng mong muốn: “Hoa đời hoa đạo đua nhau nở/Mãi mãi ngàn sau tỏa ngát hương”.
Nghĩa trang Hàng Dương - Côn Đảo có diện tích khoảng 20 ha, là nơi yên nghỉ của hàng vạn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước. Nghĩa trang Hàng Dương không phô trương mà tĩnh mịch, gây ấn tượng tưởng niệm sâu lắng. Trong những người lặng lẽ đến viếng nghĩa trang đêm 24.4, chúng tôi gặp anh Võ Văn Thưởng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn. Anh âm thầm, cẩn thận, cùng với những người khác đến từng ngôi mộ thắp từng nén hương, đốt lên từng ngọn nến, để sau đó khi Lễ trai đàn chẩn tế vang lên, cả nghĩa trang cũng sáng lên màu nến đỏ.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Võ Văn Thưởng viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương tối 24.4
Sắc đỏ màu hoa
Cũng trong dịp này, T.Ư Hội LHTN VN đã tổ chức lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Tháp chuông Côn Đảo, đây là công trình được thực hiện trong cuộc vận động “Nghĩa tình Côn Đảo”. |
Một trong những cựu tù Côn Đảo, ông Trịnh Văn Lâu cho biết con số 2.000 ngôi mộ còn sót lại ở nghĩa trang Hàng Dương với không tới 700 ngôi mộ còn tên, đó chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì đã xảy ra ở nhà tù khủng khiếp này. Bao nhiêu hài cốt, tro xương của người tù vương vãi bên ngoài các nấm mộ ở Hàng Dương, ở nghĩa địa Hàng Keo và ở nghĩa địa tù đầu tiên nơi vùi dập thi hài tù nhân trong hơn 60 năm đầu thiết lập nhà tù, bao nhiêu thi hài đã tan biến vào đất cát, cỏ cây Côn Đảo hay đã tan biến vào đại dương là một nỗi đau chung lớn dần theo năm tháng.
Đêm 24.4, giữa nghĩa trang Hàng Dương thiêng liêng, chúng tôi bắt gặp hai người đàn ông đang lặng lẽ ngồi dưới tàn hoa phượng. Người đàn ông này nắm chặt lấy tay người đàn ông kia mà không nói được lời nào. Thì ra, họ là những người bạn tù sau bao nhiêu năm mới gặp lại nhau và gặp ngay tại nơi chốn đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm. Cả hai ông đều là biệt động, bị bắt rồi bị tống ra Côn Đảo, giam vào “chuồng cọp” suốt nhiều năm liền. Ông Lâm Sơn Náo nhớ lại: “Chúng dùng những hình thức đánh đập, tra tấn hết sức dã man. Chúng nướng đỏ que sắt rồi đâm xuyên vào bắp thịt. Chúng ném người vào chảo nước sôi hoặc bẻ răng, đóng đinh vào đầu, rồi nhốt vào “chuồng cọp” giữa trời mưa nắng. Vừa đói vừa khát, chúng tôi phải uống lại nước tiểu của mình...”.
Sáng 25.4, trong dòng người tham quan những nhà tù ở Côn Đảo có một người đàn ông tên là Lê Văn Phong hay còn gọi là Trần Đắc Sinh đến từ TP.HCM. Không nói không rằng, ông đi rất nhanh đến “chuồng cọp 30”. Đó là nơi ông từng bị cùm giam hơn 6 tháng trong hơn 3 năm bị đày ra Côn Đảo. Trước sự quan tâm của nhiều người, ông diễn tả lại cái cách mà người ta đã giam ông gần 40 năm về trước...
***
Chia tay Côn Đảo, chúng tôi hiểu và mãi nhớ mỗi nắm đất ở hòn đảo thiêng liêng, ở nghĩa trang Hàng Dương tĩnh lặng là máu, là xương, là dấu tích của bao sự kiện đấu tranh của những anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ, của những người dân yêu nước VN... Và, bất chợt bài thơ xưa đột nhiên bật lên, âm vang trong tâm tưởng: “Núi Côn Lôn được pha bằng máu/Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người/Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời/Mỗi tảng đá là một trời đau khổ? Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận/Hết lớp này, lớp khác vùi lên trên/Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên/Không bia mộ, không tên và không tuổi”.
Ghi nhanh của Lê Anh Đủ
Tác giả: Admin
Nguồn tin: Thanh Niên Online
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn