Thường thì người ta đi từ Vũng Tàu và mua vé khứ hồi, ra tàu nào về tàu ấy. Năm giờ chiều xuất phát, sáng hôm sau tới đảo, ở lại đêm ấy, 5 giờ chiều hôm sau lại lên tàu vào “đất”. Cái từ “đất” ngoài đảo thiêng liêng lắm, người ta gọi lên đầy trìu mến và thiêng liêng. Người đảo ngóng vào đất liền như con ngóng về đất mẹ.
Bến tàu Côn Đảo
Một phần lịch sử Côn Đảo oai hùng đã hiện lên ngay từ lần đầu tiên du khách đặt chân tới khu vực này. Đó là Nhà Công Quán do Ban Quản lý di tích lịch sử cách mạng (QLDTLSCM) huyện Côn Đảo quản lý.
Nhà Công Quán Ban QLDTLSCM huyện Côn Đảo
Bên ngoài Nhà Công Quán là quán cà phê Côn Sơn có dịch vụ Internet không dây, còn bên trong là phòng trưng bày kỷ vật, hình ảnh của nhạc sĩ Camile Saint Saens với những bản nhạc kịch Brunehilda nổi tiếng của ông. Một góc của phòng triển lãm được dùng để trưng bày bút tích chống ly khai, hình ảnh từ phong trào chống chào cờ của tù chính trị trong nhà tù Côn Đảo, hình ảnh sinh hoạt của tù nhân Côn Đảo qua các thời kỳ, các công sở và trại giam ở Côn Đảo trong thời kỳ Mỹ - Diệm…
Dẫn chúng tôi tham quan di tích Chuồng Cọp Pháp, chị Phạm Thị Tám, thuyết minh viên Ban QLDTLSCM huyện Côn Đảo giới thiệu: “Chuồng Cọp Pháp có diện tích 5.432m2, là điểm đến của khách du lịch trong hầu hết các tour tham quan di tích lịch sử. Nhưng di tích này đã từng bị xuống cấp nghiêm trọng. Năm 2001, Chuồng Cọp Pháp nằm trong danh sách các điểm di tích đặc biệt quan trọng được trùng tu, tôn tạo. Nhà phơi nắng, hàng rào kẽm gai và toàn bộ khuôn viên của di tích… nay đã được trùng tu lại để đón khách”. Một số công trình khác như: Trại 2, Sở Cò cũng đang gấp rút được trùng tu, sửa chữa những hạng mục xuống cấp để nhanh chóng đón khách tham quan.
Bảo tàng Côn Đảo hiện nay có ba chục CBCNV và họ phải làm đủ thứ việc, từ nghiên cứu, sắp xếp, phân loại hiện vật đến dẫn khách tham quan, tiếp thân nhân liệt sĩ, thậm chí trực tiếp tôn tạo nghĩa trang, hàng ngày thắp hương trên từng ngôi mộ. Họ thuộc vanh vách từng ngôi mộ, từng phòng giam, từng sự kiện, họ yêu nghề như một sự thôi thúc tâm thức nào đó chứ không phải nghĩa vụ hay là công việc hưởng lương thì phải làm. Sau khi thăm bảo tàng, chị Thanh My - du khách đến từ Mỹ - vui vẻ nói: “Côn Đảo không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà chúng tôi còn rất thích thú khi được tìm hiểu về lịch sử 113 năm của hệ thống di tích Côn Đảo”.
Nghe nhiều nhưng đến nghĩa trang Hàng Dương mới thấy hết những gì khốc liệt, tàn bạo mà hệ thống nhà tù Côn Đảo gây ra. Ngày 19/12/1992, khi nghĩa trang Hàng Dương được khởi công tôn tạo, chỉ có 1.912 ngôi mộ được tìm thấy ở đây (trong số 2 vạn người đã ngã xuống ở Côn Đảo), trong đó chỉ có 709 ngôi mộ có danh tính. Ngày xưa, “chế độ” chôn người tù chết chỉ là hai cái bao tải, một cái tròng từ đầu xuống, một cái từ dưới chân lên, bó lại và mang ra vùi xuống cát. Mà nghĩa trang Hàng Dương thì sát biển, chỉ nửa ngày là cát xóa hết dấu vết. Những người tù Côn Đảo đã làm thơ như thế này: Núi Côn Lôn được pha bằng máu/ Đất Côn Lôn năm sáu lớp xương người/ Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời...
Nghĩa trang Hàng Dương
Nghĩa trang Hàng Dương nay đã được tôn tạo đẹp, ấm cúng, tôn nghiêm, được chia làm bốn khu liên thông với nhau bằng những con đường lát đá, rợp bóng cây xanh. Các liệt sĩ tìm thấy ở đâu được để nguyên ở đấy, dựng bia tại chỗ, không di chuyển, không tạo mộ giả, vì thế bia mộ không thẳng hàng ngay lối, không cùng hướng tăm tắp như các nghĩa trang liệt sĩ khác, trừ khu D được quy tập từ các đảo khác về. 709 ngôi mộ có danh tính là do đồng đội bạn tù khi đi lao động khổ sai biết, thấy, họ lặng lẽ bí mật đánh dấu bằng cách chôn thật sâu viên đá, viên gạch, viên ngói được viết, được khắc tên ấy xuống cát. Bởi nếu cai ngục thấy thì chúng sẽ phá. Riêng mộ chị Võ Thị Sáu, hai tấm bia đầu, một tấm do bạn tù dựng bí mật, một tấm do chúa đảo dựng công khai đều ghi sai ngày mất.
Mộ chị Võ Thị Sáu
Sau này, trong quá trình nghiên cứu, Bảo tàng Côn Đảo lục trong tàng thư thấy biên bản hành quyết ghi rõ chị bị xử bắn và mất năm 19 tuổi chứ không phải 16. Thực ra chị tham gia cách mạng năm 16 tuổi. Khi bị bắt, vì chưa đủ tuổi nên chị đã bị giam cho đến đủ tuổi mới hành quyết. Việc chị Sáu được dựng bia công khai cũng là một việc không giải thích nổi. Tất cả những tên chúa đảo, cai ngục cho đến lính tham gia phá bia mộ chị Sáu đều bị chết bất đắc kỳ tử nên tấm bia do bạn tù dựng bí mật sau rất nhiều lần bị phá đã được để công khai, sau đó một chúa đảo cùng vợ lập nên một tấm bia khác tạ tội với chị. Sau này, khi tôn tạo, người ta dựng một tấm bia thứ ba ghi đúng ngày mất của chị và vẫn để ba tấm bia cùng tồn tại. Giờ đây, chị nằm yên nghỉ dưới bóng cây lê ki ma xanh tốt, loại cây đã hiện diện trong bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn “Mùa hoa lê ki ma nở...”.
Quả chuông tại Nghĩa trang Hàng Dương
Cuối năm ngoái, công trình nhà treo chuông đền thờ Côn Đảo tại nghĩa trang Hàng Dương đã được hoàn thành trên diện tích 140m2 trong khuôn viên nghĩa trang Hàng Dương. Toàn bộ công trình do Ngân hàng Công thương Việt Nam tài trợ với tổng kinh phí khoảng 5,5 tỷ đồng. Phó giáo sư - tiến sĩ - kiến trúc sư Hàn Tất Ngạn, người thiết kế quả chuông treo ở nghĩa trang Hàng Dương, bày tỏ: “Đây là một công trình kiến trúc tâm linh, lịch sử văn hoá của địa phương cũng như của cả nước, là nơi bà con nhân dân có thể ghé thăm, thắp nén nhang, gõ tiếng chuông thành tâm tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ”.
Bức tranh sáng
Trước năm 1984, cả Côn Đảo chưa đầy 1.000 dân. Năm 1984, TP. Cần Thơ đưa 500 thanh niên tình nguyện ra xây dựng đảo. Nguyễn Thanh Vân, Phó trưởng Ban quản lý di tích Côn Đảo hiện nay là một trong số này. Côn Đảo hiện chưa có đơn vị hành chính phường xã mà chỉ có 9 khu dân cư trực thuộc huyện. Năm 2005, Thủ tướng Chính phủ có quyết định phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội Côn Đảo đến năm 2020. Mục tiêu của đề án này là xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế - du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bảo tồn, tôn tạo khu di tích cách mạng đặc biệt của Việt Nam, đồng thời phát triển, nâng cao giá trị Vườn quốc gia Côn Đảo, xây dựng Côn Đảo tương xứng với vị trí tiền tiêu, góp phần tích cực trong quá trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế.
Resort ở Côn Đảo
Theo đề án thì từ nay đến năm 2010, Côn Đảo sẽ tập trung xây dựng các công trình hạ tầng, các di tích theo quy hoạch, xây dựng các khu du lịch mang tầm cỡ quốc tế, các công trình dịch vụ biển. Theo đó, các nhiệm vụ trọng tâm của huyện là: Xây dựng chi nhánh Bảo tàng lịch sử cách mạng Việt Nam tại Côn Đảo, tôn tạo nghĩa trang Hàng Dương, hình thành các phòng trưng bày nhà tù; phát triển du lịch chất lượng cao với những khu du lịch biển, rừng đa dạng, hấp dẫn; hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; thiết kế các tuyến du lịch giữa đảo và đất liền, đặc biệt là những tour du lịch tham quan hệ thống di tích lịch sử…
Với phong cảnh tuyệt vời, địa thế lý tưởng, hạ tầng khang trang, môi trường rất trong lành và con người thì đầy nhiệt huyết, bức tranh Côn Đảo đang dần sáng hơn./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng
Tác giả: Admin
Nguồn tin: Kinh te Viet Nam
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn