Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Nữ liệt ở Côn Đảo

Thứ sáu - 12/03/2010 07:34

Nữ liệt ở Côn Đảo

Hơn 6.000 dân, trên hòn đảo nhỏ xinh đẹp. Mà lạ thế, nơi đây không có nhà thờ hay chùa chiền, đức tin của người là sự thiện tâm với phẩm chất cao quý. Và trên cả là niềm tin bất diệt vào hai thần nữ, đó là nữ tù đã quyên sinh và hy sinh…
Gió đưa rau cải lên trời
 
Một thời – ông nội tôi, bố tôi đã dạy tôi và đến lượt tôi dạy các con tôi - về Côn Đảo, một địa danh anh hùng. Chỉ thế thôi mà hòn đảo ấy đã trở nên thiêng liêng theo suốt cuộc đời. Lần này ra đây là lần đầu tiên đặt lên hòn đảo thiêng.
 
Đêm đầu tiên ở Côn Đảo tôi không thể ngủ được, cứ trân trân nhìn lên trời và lắng nghe sóng biển – lúc rì rầm, khi ào ạt và dâng trào không ngớt. Trong trí tưởng tượng của tôi – Côn Đảo hiện lên với những hình ảnh rõ nét và xen cài giữa quá khứ và hiện tại, giữa cũ và mới, thậm chỉ cả câu chuyện được  - mất, thịnh – suy, bĩ – thái… trải qua hàng ngàn năm, ở nơi đầu sóng ngọn gió này người dân đã quen với nắng mưa vả cả bão tố của lịch sử và đất trời. Cuộc đời mỗi người và thế hệ thực đã gột lên từ đất và biển, với bao nhiêu nước mắt - mồ hôi và cả máu nữa.
 
Ở Côn Đảo, dường như sự hiện diện linh thiêng luôn hiện diện, thấm đẫm màu xanh cây cỏ và nồng nàn vị biển. Từ trung tâm, con đường chừng 2km dẫn vào Miếu Bà và Miếu Cậu chạy giữa những chiếc hồ lớn. Hai bên đường là muống biển miên man bò.

Người làng bảo, miếu Bà là nơi thờ Bà Phi Yến, tục gọi Lê Thị Răm, còn Miếu Cậu là nơi thờ hoàng tử Cải (con của Bà Phi Yến với chúa Nguyễn Anh.
 
 Ảnh minh họa

 Miếu thờ bà Phi Yến


Bà Phi Yến là vợ (không rõ thứ mấy) của chúa Nguyễn Phúc Anh. Vào khoảng cuối thu năm 1783, nhằm tránh sự theo dõi của lực lượng Tây Sơn, vị chúa này cùng gia quyến lánh ra Côn Đảo.
 
Không bằng lòng với việc cầu viện người Pháp, bà Phi Yến đã bị chúa Nguyễn biệt giam trong động đá.
 
Sau này, khi quân Tây Sơn sắp tràn ra đảo, chúa Nguyễn đã xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Thuyền sắp nhổ neo, hoàng tử Cải (con của bà Phi Yến và chúa Nguyễn Anh) lúc bấy giờ mới chỉ vừa 5 tuổi, không thấy mẹ đâu nên khóc lóc thảm thiết, đòi được gặp mẹ. Biết tin mẹ bị giam cầm, cậu bé kêu gào phải để cho mẹ cùng đi hoặc để cho cậu được ở lại với mẹ. Yêu cầu của hoàng tử Cải không được bố chấp nhận và trong cơn nóng giận mất hết tính người, Nguyễn Ánh đã ném con xuống biển. Hoàng tử Cải chết, xác cậu nằm lại ở bãi San hô và người dân trong làng Cỏ ống đã đem thi thể cậu chôn giữa một khu rừng gần bãi Đầm Trầu.

Phần bà Phi Yến, sau khi được dân làng giải cứu và biết tin con trai mình đã mất, bà vô cùng đau xót. Bà đứng hoài trước mộ con và khóc, tình cảnh thật thương tâm. Dân làng cám cảnh, họ hát ví:
 
“Gió đưa cây Cải về trời
Rau Răm ở lại chịu đời đắng cay”
 
Và người dân Côn Đảo tin rằng, câu hát này, xuất phát từ một câu chuyện lịch sử, đau lòng như thế!
 
Sự trung trinh, ái quốc của đức bà Phi Yến cùng sự chí hiếu của hoàng tử Cải đã được dân làng ở Côn Đảo ghi nhận và quý trọng. Họ xây dựng và chăm chút cho miếu Bà (tức Bà Phi Yến), miếu Cậu (tức hoàng tử Cải) với nhang khói. Âu cũng là ước vọng đầy tính nhân văn của người dân xứ biển chất phác.
 
Người thiếu nữ ấy như mùa xuân
 
Gần 2 thế kỷ sau, có một người con gái Việt Nam bị giặc Pháp đày ra hành hình ở Côn Đảo. Người ấy là chị Võ Thị Sáu, quê ở Đất Đỏ (Vũng Tàu-Côn Đảo). Tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi rồi nhanh chóng trở thành nữ chiến sĩ trinh sát nổi tiếng gan dạ của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Năm 1950, chị Sáu bị địch bắt trong lúc đang tham gia trận đánh tiêu diệt tề ở chợ quê gần nhà mình. Hơn 1 năm bị giam cầm trong khám Chí Hòa, "nếm" đủ thứ đòn roi và đủ "mùi" tra tấn..., nhưng chị Võ Thị Sáu vẫn nêu cao tấm gương dũng cảm vươn lên, không khuất phục kẻ thù. 
 
 Ảnh minh họa

 Nghĩa trang Hàng Dương


Chị hy sinh ngày 23/1/1952 khi mới 19 tuổi. Trong 9 năm kháng chiến, đây là nữ tử tù đầu tiên, duy nhất và trẻ tuổi nhất bị giặc Pháp xiềng chặt vào boong tàu... đưa ra Côn Đảo hành hình.
 
Có rất nhiều huyền thoại về chị Sáu, ngay cả kẻ thù cũng phải kính nể dâng hương viếng mộ chị. Mới đây (23/1/2010), người dân Côn Đảo, lễ tưởng niệm nhân ngày giỗ lần thứ 58 Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu. Chị Sáu sinh năm 1933, tại xã Phước Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Chị tham gia cách mạng năm 14 tuổi, hy sinh năm 19 tuổi tại Côn Đảo, chị là tấm gương kiên trung, bất khuất cho tuổi trẻ cả nước noi theo.

 Ảnh minh họa

 Chuồng cọp để tra tấn những nữ phạm


Côn Đảo mùa này thời tiết thật đẹp, gió biển thổi mạnh, tiết trời se se lạnh, hoa anh đào vào mùa khoe sắc. Nghĩa trang Hàm Dương dường như chẳng bao giờ vắng bóng người. Trong mùi nhang trầm thoang thoảng, có tiếng gió và dương reo nhỏ đâu đây. Tôi hỏi lòng phải chăng đó là tiếng lặng thầm của những người muôn năm cũ.
 
Giọng cô hướng dẫn viên cứ đều đều nhưng nghèn nghẹn. Tôi chắc chắn một điều ngày nào cô cũng hướng dẫn và ngày nào cô cũng nghẹn giọng khi nhắc lại chị Võ Thị Sáu: “Không ai nhớ có bao nhiêu tấm bia đã dựng trước mộ chị Sáu. Thời Pháp cũng như thời Mỹ- Ngụy, mỗi khi mở chiến dịch tố cộng, bọn cải huấn liền tìm cách kích động... đập phá bia, mộ chị Võ Thị Sáu để hạ uy thế tù chính trị. Rất kỳ lạ, tấm bia này vừa bị đập, lập tức hôm sau tấm bia khác lại "mọc" lên”.
 
Năm 1975, mộ chị Sáu đã được xây dựng lại khang trang, đàng hoàng bằng đá hoa cương, nhưng trước mộ chị hiện vẫn còn tấm bia do vợ chồng thiếu tá Tăng Tư - Tỉnh trưởng tỉnh Côn Sơn phụng dựng từ năm 1964.
 
Một cô gái độ tuổi tuổi đôi mươi (chắc người dân Côn Đảo) không cùng đoàn chúng tôi lặng lẽ bày đồ trước mộ chị Sáu, những hoa, gương lược... Cô tỉ mẩn như làm lễ cho một người thân thương trong gia đình. Thành kính thắp hương, thành kính cúi đầu rồi thành kính hát: “mùa hoa lê kima nở hoa”. Cả đoàn chúng tôi sững sờ, chị hướng dẫn viên tạm ngưng lời hướng dẫn, hát theo. Thêm một người, vài người, rồi cả đoàn cùng hát. Dưới tán Lêkima, câu hát về người con gái quả cảm vang lên khiến mắt ai cũng rơm rớm…
 
 Ảnh minh họa

 Mộ chị Võ Thị Sáu một trong hai nơi mà người dân đảo thường cúng lễ


Sau này tôi mới biết, đó chỉ là những cử chỉ hết sức bình thường trong đời sống của người dân Côn Đảo. Đêm 30 tết hay ngày rằm, dân cả huyện thường tập trung về miếu bà Phi Yến cũng như mộ chị Võ Thị Sáu để cầu cúng. Tôi như đang nghe tiếng các nữ liệt cười vui khi nhận những tình cảm này. Và kia nữa, hình như hoa anh đào nở rộ như thắm sắc hơn dưới nắng trời.
 
Lại một đêm nữa trước khi về đất liền tôi không ngủ được. Đêm, một số nhà dân để đèn vàng. Họ không tắt, hỏi mới biết để như thế cho hơn hai vạn anh linh đỡ lạnh lẽo. Thực lòng tôi cũng thấy rờn rợn. Chỉ đến hôm sau, khi lên tàu rời Côn Đảo người đi kẻ ở mới thấy những gì thuộc về đây sao gần gũi thế. Cập bến Vũng Tàu, tất cả chúng tôi không ai bảo ai, cùng quay mặt hướng về phía ấy – nơi có hòn đảo anh hùng có những người con bất khuất, có hai nữ liệt trung trinh của nước Việt thân yêu.

Tác giả: Admin

Nguồn tin: Báo điện tử VNMedia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây