Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Từ địa ngục trần gian đến thiên đường hạ giới

Thứ sáu - 20/02/2009 18:34

Một phòng giam của nhà tù Côn Đảo được phục chế

Một phòng giam của nhà tù Côn Đảo được phục chế
Côn Đảo - một hòn đảo tuyệt đẹp phía đông nam của tổ quốc, nhưng trong hơn một thế kỷ xâm lược, thực dân đế quốc đã biến nơi đây thành "đảo ngục", thành "địa ngục trần gian" để giam cầm, hành hạ, tra tấn những người Việt Nam yêu nước.

Côn Đảo trong chiến tranh cũng là biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Sau ngày giải phóng, những người tù thực dân và lớp lớp con cháu họ đã biến "địa ngục trần gian" năm xưa thành một "thiên đường nơi hạ giới" hôm nay.

Địa ngục giữa trần gian

Côn Đảo hôm nay vẫn còn đó hàng loạt những công trình, kiến trúc như một minh chứng cho một thời kỳ bi tráng của lịch sử. Quá khứ đau thương hằn sâu trong tâm thức khiến cho con người ta không thể nào quên. Một nắm đất ở Côn Đảo là một dấu tích của bao sự kiện đấu tranh cách mạng đối với mỗi liệt sĩ, mỗi thời kỳ đấu tranh. Những vần thơ đã tạc vào lương tri nhân loại như một cáo trạng cho tội ác không thể nào quên của chế độ đế quốc thực dân:

"Nước Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ".


Và đây nữa:

"Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lỳ không mô đất nhô lên
Không bia mộ, không tên và không tuổi".

Trong suốt 113 năm (từ 1862 đến 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng tại hòn đảo thơ mộng này một hệ thống 8 trại tù, 2 khu biệt lập chuồng cọp và 1 khu biệt lập chuồng bò để giam cầm những chiến sĩ cách mạng yêu nước. Trải qua hơn một thế kỷ đô hộ đã có trên 200.000 lượt người bị giam cầm. Thời kỳ cao điểm nhất vào những năm 1969 đến năm 1972 có trên 12.000 người bị giam cầm tại Côn Đảo. Chỉ tính riêng trại tù Phú Sơn, được Pháp xây dựng từ tháng 3 năm 1862, với 10 phòng giam, thời kỳ cao điểm nhất đã giam giữ trên 2.000 tù nhân.

       Một góc Côn Đảo hôm nay.

Trải qua nhiều cuộc tra tấn với những hình thức cực kỳ dã man qua các thời kỳ, đã có gần 20.000 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh. Những công trình kiến trúc còn đó như minh chứng cho tội ác của đế quốc, thực dân. Này đây, cầu tàu 914 là nơi có ít nhất 914 người tù đã ngã xuống trong quá trình lấy đá từ núi Chúa ra để xây dựng cầu tàu. Cầu Ma Thiên Lãnh mới xây được hai mố cầu nhưng đã có ít nhất 356 người tù đã chết bởi đòn roi, bởi lao dịch nặng nhọc quá sức...

Những Banh 1, Banh 2, Hòn Cau, Phú Hội, chuồng cọp, chuồng bò... với những công cụ tra tấn dã man như thời trung cổ là nơi có hàng vạn người, hàng vạn chiến sĩ yêu nước bị giam cầm, tra tấn, hành hạ trong đó có những nhà yêu nước lẫy lừng như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế, Lê Hồng Phong, Nguyễn An Ninh, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... Viếng nghĩa trang Hàng Dương với hơn một vạn ngôi mộ mới tìm thấy được, không ai không khỏi nghẹn người khi được các cô hướng dẫn viên kể lại những cực hình mà những người tù phải chịu đựng trước khi ngã xuống.

Đất nước hoàn toàn giải phóng, cánh cửa nhà tù bật tung, những cầu tàu, nhà tù năm xưa vẫn còn đó nhưng "địa ngục trần gian" nay chỉ còn là dấu tích cho thời kỳ lịch sử cách mạng vĩ đại mà loài người tiến bộ hôm nay và mãi muôn đời sau đều kính cẩn nghiêng mình. Côn Đảo hôm nay đã được thế hệ con cháu của những người đã hy sinh, đã ngã xuống cho độc lập tự do của tổ quốc xây dựng lại đẹp đẽ xứng đáng với sự hy sinh đổ máu của họ.

Thiên đường nơi hạ giới

Côn Đảo ngày nay được quy hoạch lại đã trở nên đẹp và thơ mộng một cách lạ lùng. Khu hành chính của huyện đảo vẫn còn nguyên những hàng bàng cổ thụ có đường kính cả năm, sáu người ôm nằm ven những con đường nhựa phẳng lỳ. Thấp thoáng dưới lùm cây xanh tốt quanh năm rì rào với sóng biển là những căn nhà có kiến trúc kiểu Pháp tạo cho Côn Đảo có nét cổ kính bình yên đến lạ thường. Côn Đảo quanh năm ngập tràn nắng ấm và biển xanh êm ả. Đến Côn Đảo câu cá, lặn biển, ngắm chim là thú vui được nhiều du khách tìm đến.

Ông Trương Hoàng Phục - Phó Bí thư thường trực kiêm Chủ tịch HĐND huyện Côn Đảo - cho biết: Sau giải phóng, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng Côn Đảo trở thành một khu di tích lịch sử và bảo tồn thiên nhiên lớn trong cả nước. Vì thế trong quần thể 16 hòn đảo lớn - nhỏ của Côn Đảo thì có các đảo Hòn Trứng và Hòn Tre nhỏ được coi là thiên đường của các loài chim với hàng vạn con thuộc các chủng loài khác nhau. Nhiều nhất là giống nhạn lưng đen, nhạn hồng, nhạn đầu xám. Đến mùa sinh sản, hàng triệu con chim đã kéo nhau về đây sinh sản khiến cho cả hai đảo trắng xoá trứng chim.

Vườn quốc gia Côn Đảo vẫn bảo tồn tương đối nguyên vẹn hệ sinh thái rừng trên đảo với nhiều loại cây gỗ quý như bời lời, lát hoa, sao đen, cẩm thi, thiên niên kiện, săng đào, dầu lá bóng... Về động vật cũng có nhiều loài như chồn, kỳ đà, khỉ, hươu, nai, gà rừng... và đặc biệt, Côn Đảo có một quần thể sóc mun mà không thấy xuất hiện ở nơi nào khác trên đất nước ta. Vùng biển Côn Đảo có nhiều loài hải sản quý, có giá trị cao như tôm hùm, cá hàng, cá gióng, cá mập, cá heo, cá nhám, hải sâm, đồi mồi, vích...
 

Di tích lịch sử Cầu tàu 914.

Côn Đảo còn là một trong số rất ít những nơi còn lại ở VN có những loài động - thực vật quý hiếm nhất sinh sống, như dugong (còn gọi là bò biển). Đặc biệt ở Côn Đảo có quần thể rùa biển rất lớn, hàng năm vào mùa sinh sản, có hàng ngàn lượt rùa biển lên các bãi cát để đẻ trứng. Côn Đảo còn có những rạn san hô trải dài hàng cây số với đủ màu sắc, đủ hình dáng, với những đàn cá lớn sặc sỡ bơi lội tung tăng trong làn nước biển xanh trong vắt. Ngoài ra, Côn Đảo còn có rất nhiều các món ăn đặc sản như ốc vú nàng, ốc tai tượng ngon không đâu bằng... Tất cả những sản vật đó của Côn Đảo đã khiến nơi đây trở thành điểm hấp dẫn khách du lịch vào loại bậc nhất Việt Nam.

Nói về tiềm năng của Côn Đảo, ông Phan Hoà Bình - Chủ tịch UBND huyện đảo - trăn trở: Với số dân chưa tới 6.000 người, tiềm năng lớn nhất của Côn Đảo là du lịch, thương mại và dịch vụ, thế nhưng tổng doanh thu thương mại - dịch vụ trong năm 2008 mới thực hiện được 366 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ du lịch mới đạt 18 tỉ đồng, mới đón được hơn 20.000 lượt khách tham quan Côn Đảo. Thu ngân sách cả năm đạt 142 tỉ, thu nhập bình quân đầu người trong năm 2008 đạt mức 927USD/người.

So với kế hoạch thì các chỉ tiêu mà Côn Đảo đã thực hiện được trong những năm qua đều vượt, nhưng mức sống như vậy ở Côn Đảo vẫn chưa thật sự sung túc. Ông Bình còn cho biết: Với tiềm năng thiên nhiên về biển, rừng, khí hậu như vậy, tháng 10.2005, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định xây dựng Côn Đảo thành khu kinh tế, du lịch mang tầm cỡ thế giới. Với quyết định này, Côn Đảo đã điều chỉnh lại các quy hoạch về sân bay, cảng biển, khu di tích, các resort, khu nghỉ dưỡng, khu lặn biển, ngắm chim, câu cá..., đồng thời xây dựng các quy chế chính sách tổng thể để thu hút các nhà đầu tư đến Côn Đảo nhiều hơn.

Ông Phan Hoà Bình cũng cho biết: Nếu quy hoạch không tốt sẽ làm hỏng Côn Đảo mà không thể sửa chữa được và như vậy là có tội với những người đã hy sinh ở đây. Ngoài việc cơ bản hoàn thành quy hoạch để thu hút đầu tư, huyện còn xây dựng được một nếp sống văn hoá văn minh, lịch thiệp của người Côn Đảo và cho đến giờ là huyện thứ hai trên cả nước được công nhận là huyện văn hoá.

Chiều xuống, gió từ biển mát rượi đẩy những con sóng trong vắt xô vào bờ cát làm cho không gian Côn Đảo thanh bình đến lạ thường. Thả bộ thong dong trên con đường Tôn Đức Thắng chạy dọc bờ biển, ta có thể bắt gặp bất kỳ đâu những nụ cười thân thiện, những cái chìa tay sẵn sàng giúp đỡ của người dân Côn Đảo. Con người Côn Đảo hôm nay đã biến nơi đây trở thành một hòn "đảo ngọc", trở thành "thiên đường nơi hạ giới" mà bất kỳ ai cũng muốn một lần đặt chân tới.

Tác giả: Admin

Nguồn tin: Báo Lao Động

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây