ĐIỂM ĐẾN TÂM LINH
Có mặt trên chuyến tàu 09 đi Côn Đảo, ngoài những người dân của huyện đảo về thăm nhà sau những ngày xa quê đi học hoặc làm ăn, rất nhiều người là khách du lịch. Họ đến Côn Đảo với nhiều lý do nhưng đa số đều có chung một mục đích là tìm hiểu lịch sử cách mạng dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và nghỉ dưỡng sau những ngày làm việc, học tập căng thẳng. Chị Nguyễn Thu Hằng, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết, đây là lần thứ 4 chị đưa gia đình đến Côn Đảo nghỉ hè. Chị Hằng kể, trước đây, chị chỉ biết đến Côn Đảo qua sách báo, phim tư liệu… và trong một lần đi thực tế tại đây chị đã thật sự bị thiên nhiên, con người, hệ thống di tích Côn Đảo chinh phục. “Mỗi lần ra Côn Đảo, tôi lưu lại khoảng 5 ngày. Trong thời gian đó, tôi lần lượt đi viếng nghĩa trang Hàng Dương, miếu bà Phi Yến, tham quan hệ thống nhà tù, qua Hòn Bảy Cạnh lặn biển và khám phá Vườn quốc gia Côn Đảo”, chị Hằng chia sẻ.
Với anh Jonh Mack (du khách Úc), ấn tượng trong anh khi đến Côn Đảo là nơi đây còn lưu giữ gần như nguyên vẹn hệ thống nhà tù được xây dựng từ hàng trăm năm trước. Anh Jonh Mack nói: “Những dấu tích còn lưu lại nơi đây có giá trị lịch sử rất lớn, chứng minh cho cả thế giới sự phi nghĩa của chiến tranh xâm lược và tinh thần đấu tranh bất khuất của nhân dân Việt Nam. Sau hai ngày tham quan các di tích, tôi thật sự khâm phục sức chịu đựng, niềm tin và lòng quả cảm của các bạn”.
Theo thống kê của Ban quản lý di tích (BQLDT) Côn Đảo, trên địa bàn huyện Côn Đảo hiện có 19 di tích lịch sử cấp quốc gia, 3 di tích cấp tỉnh, trong đó có 11 di tích đã và đang được trùng tu, tôn tạo như hiện trạng ban đầu như Nhà công quán, trại Phú Hải, chuồng cọp Pháp… Hàng năm, các khu di tích Côn Đảo đón hàng chục ngàn lượt khách tham quan, trong đó gần 50% là khách quốc tế. “Khoảng 2 năm gần đây, lượng khách đến Côn Đảo tăng từ 40-50% so với những năm trước nên dù đã làm việc hết sức nhưng lực lượng hướng dẫn viên vẫn không giải đáp hết những thắc mắc của từng du khách về các sự kiện xảy ra trong từng thời điểm nhất định tại mỗi di tích”, bà Nguyễn Thanh Vân, Trưởng BQLDT Côn Đảo nói.
![]() | ![]() | ![]() |
Khách du lịch di hòn 7 cạnh | Ra Côn Đảo bằng đường thuỷ | Bữa sáng tại KS Sài Gòn - Côn Đảo |
KHỞI ĐỘNG NHIỀU CÔNG TRÌNH
Nếu ai đó sau vài năm trở lại Côn Đảo, chắc sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì sự thay đổi nhanh chóng ở nơi đây. Dạo qua các nẻo đường, góc phố, các điểm tham quan tại trung tâm thị trấn Côn Đảo… du khách sẽ nhận thấy vẻ đẹp Côn Đảo được tôn tạo thêm lên, cuộc sống người dân nơi đảo xa ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Ngoài ý thức giữ gìn, bảo vệ thiên nhiên của ngươi dân, những năm qua chính quyền huyện Côn Đảo đã đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật bằng nguồn vốn ngân sách; có chính sách thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài nước để thực hiện nhiều dự án.
Hiện nay, để giúp du khách hiểu hơn về Côn Đảo, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh Côn Đảo, BQLDT Côn Đảo đã bố trí phòng chiếu phim chuyên chiếu phim tư liệu, phóng sự về cảnh quan, con người, tiềm năng Côn Đảo và phát hành thêm nhiều ấn phẩm giới thiệu về Côn Đảo. Sắp tới, huyện Côn Đảo sẽ xây dựng kiốt thông tin trước các di tích để du khách có thể tra cứu thông tin cần thiết. “Kiốt như một tấm bản đồ chỉ rõ vị trí khách đang đứng, các điểm di tích trên đảo, các tuyến đường, hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn trên đảo… cho du khách biết. Trước mắt sẽ có khoảng 5 kiốt được dựng ở những nơi du khách thường xuyên ra vào như: trại Phú Hải, nhà Công quán, Bảo tàng Côn Đảo…”, bà Nguyễn Thanh Vân cho biết.
Một công trình văn hóa lớn đang trong giai đoạn hoàn thành là Bảo tàng Côn Đảo. Ông Lưu Văn Nhi, Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo cho biết, trong đề án xây dựng, Bảo tàng Côn Đảo cùng với Đền thờ Côn Đảo và nghĩa trang Hàng Dương sẽ tạo thành một quần thể điểm đến liên hoàn phục vụ du khách tham quan. Khi vào tham quan bảo tàng, đến phòng khánh tiết, du khách sẽ được lên một chiếc thuyền để trải nghiệm cảm giác vượt ngục trong bão tố của các chiến sĩ cách mạng năm xưa. Sau đó, du khách sẽ lần lượt tham quan khu trưng bày mô hình nhà tù và các tư liệu hiện vật với 4 chủ đề: Côn Đảo - đất nước con người; Côn Đảo - địa ngục trần gian; Côn Đảo - trường học sau song sắt và Di tích Côn Đảo - Hồn thiêng nước Việt. Hiện tại, bảo tàng Côn Đảo đã sưu tầm được khoảng 9.000 tư liệu hiện vật sẵn sàng cho công tác trưng bày.
Rời bảo tàng, khách du lịch sẽ được trở về với một góc tâm linh yên tĩnh ở đền thờ liệt sĩ để viếng hương hồn các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập dân tộc ở nghĩa trang Hàng Dương. “Bằng hình ảnh trực quan sinh động và sự liên kết các điểm đến tâm linh, chúng tôi muốn dẫn dắt người xem đi từ lịch sử 113 năm địa ngục trần gian cho đến Côn Đảo hôm nay và mai sau; đồng thời qua đó nhắc nhở thế hệ trẻ thêm tự hào tiếp bước và phát huy truyền thống cách mạng của cha ông trong thời bình”, ông Lưu Văn Nhi nói.
Bên cạnh đó, huyện Côn Đảo cũng nỗ lực thu hút và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Các dự án du lịch có vốn đầu tư lớn đang triển khai tại Côn Đảo như: Dự án Khu du lịch Đất Dốc (vốn đầu tư 38 triệu USD), đã hoàn thành 100% khối lượng; dự án Khu du lịch nghỉ mát Việt-Nga (15 triệu USD), dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động năm 2013; dự án Khu du lịch sinh thái bãi Đầm Trầu-Cỏ Ống (250 triệu USD), đang tiến hành khảo sát và lập thủ tục đầu tư; dự án tôn tạo di tích chùa Núi Một (54 tỷ đồng), do Công ty CP Vincom tài trợ; dự án Khu du lịch Poulo Condor do Công ty cổ phần Cam Ly đầu tư.
Tất cả những việc làm trên cho thấy, Côn Đảo đang nỗ lực làm sống lại các giá trị lịch sử để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch và nhà đầu tư.
Tác giả: Đan Châu
Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu điện tử
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn