“Ngục Diêm vương còn thua man rợ”
Là một quần đảo tiền tiêu nằm ở
phía Đông Nam nước ta, Côn Đảo vốn mang một vẻ đẹp hoang sơ, trong lành
và kỳ bí. Nhưng chiến tranh đã vùi dập đi tất cả, để rồi nơi đây trở
thành “địa ngục trần gian”, “Cái địa danh đồng nghĩa với tù đày / Quê
hương của những người biệt xứ” (Anh Ngọc). Đó là vào ngày 28-11-1861,
chiến hạm của thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Côn Đảo và khoảng 3
tháng sau (đầu tháng 2-1862), chúng quyết định thành lập nhà tù Côn
Đảo, để giam giữ những tù nhân chính trị Việt Nam kiên quyết chống lại
chủ nghĩa thực dân và sau đó là chế độ Sài Gòn cũ bằng hệ thống chuồng
cọp vô cùng tàn ác.
Hệ thống chuồng cọp do thực dân Pháp xây dựng nằm trên tổng diện tích 5.475m², trong đó có 120 phòng biệt giam (chia làm 2 khu, mỗi khu 60 phòng). Đặc điểm bên trên có song sắt kiên cố, có hành lang ở giữa dành cho cai ngục, trật tự viên đi lại kiểm soát, hành hạ người tù (ném vôi bột, dội nước bẩn).
Ngoài ra còn có 60 phòng không có mái che được gọi là Phòng tắm nắng, dùng để phơi nắng, phơi mưa, tra tấn tù nhân. Còn hệ thống chuồng cọp do Mỹ xây dựng năm 1971 (còn có tên là trại 7 hay trại Phú Bình) rộng 25.768 m², trong đó có 3.800m² phòng giam, bao gồm 384 phòng biệt giam. Đây là kiểu nhà giam đặc biệt bằng bê tông, không có bệ nằm, người tù phải nằm dưới nền xi măng ẩm thấp.
Có thể nói đây là hệ thống nhà tù lớn nhất, khốc hại nhất, lâu đời nhất trên đất nước ta do kẻ thù thiết lập ra hòng đè bẹp tinh thần và ý chí của những người cách mạng trung kiên. Trong 113 năm tồn tại (1862-1975), hàng chục ngàn chiến sĩ cách mạng bị giặc bắt từ khắp các chiến trường đã bị đưa về “địa ngục trần gian” này để đêm ngày chúng ra sức hành hạ đến héo mòn, đến sức tàn lực kiệt qua những kiểu tra tấn dã man mà chúng ta chỉ có thể hình dung ở thời Trung cổ: Cùm tay xích chân (…) Cù ngoéo đóng đinh rứt da rứt thịt (…)/ Củi gộc đá hòn nện ngực nện lưng (…)/ Máu tuôn từng giọt (…)/ Thịt nát từng phân (…)/ Xác vùi chung hố (Văn tế liệt sĩ và đồng bào đã anh dũng hy sinh tại Côn Đảo để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc - Trần Thanh Giao). Một trại giam mà “ngục Diêm vương còn thua man rợ”.
Những linh hồn bất diệt
Các tài liệu ghi nhận, trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược, từng có lần tên chúa đảo Andouard đã ra lệnh nổ súng vào tù nhân, giết một lúc 80 người, khiến đất Côn Đảo không kịp thấm máu. Còn sau đó, chỉ trong vòng 5 năm, tòa án quân sự đặc biệt của chính quyền Sài Gòn đã tuyên án tử hình hơn 200 tù chính trị, hầu hết thuộc Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam. Tổng cộng trong thời gian nhà tù tồn tại đã có trên 20.000 người phải vùi xác nơi đây. Chẳng vậy mà nhà thơ Anh Ngọc đã thốt lên: “Nơi con người sống trong chuồng thú dữ / Và thú dữ lên chiếm chỗ con người / Nơi trăm năm không có tiếng cười / Chỉ có tiếng gầm gừ dã thú”. Và: “Hãy đi từ Ải Nam Quan / Thẳng đến tận Hàng Dương - Côn Đảo / Nhặt lên từng hòn đất nếm xem / Có hòn nào không hăng nồng vị máu” (Phùng Quán).
Nghĩa trang Hàng Dương – Côn Đảo, nơi yên nghỉ của hàng vạn con người, nhưng chỉ có 1.283 ngôi mộ. Nghĩa là còn rất nhiều những nắm xương tàn vẫn đang nằm rải rác, lẫn trong những triền cát trắng. Hàng vạn con người ngã xuống, hàng vạn linh hồn bất diệt bay lên. Những nấm mồ hữu danh và vô danh, những chí sĩ yêu nước, nhà cách mạng, mà cái chết của họ đã trở thành bất tử… Trong đó, có tấm gương hy sinh đã trở thành huyền thoại của chị Võ Thị Sáu.
Chị Võ Thị Sáu sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống cách mạng (xã Phước Thọ, quận Đất Đỏ, nay là huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị đã gia nhập Đội Công an xung phong quận Đất Đỏ với mong muốn được trừng trị bọn ác ôn. Từ đó, chị đã trở thành chiến sĩ trinh sát làm nhiệm vụ phá tề, trừ gian với nhiều chiến công nổi tiếng.
Tháng 2-1950, chị dẫn đầu một tổ trinh sát, dùng lựu đạn tập kích diệt 2 tên ác ôn Cả Suốt và Cả Đay. Không may chị bị địch bắt, bị chúng dùng mọi cực hình tra tấn. Không khai thác được gì, chúng bèn đưa chị về giam ở khám Chí Hòa, Sài Gòn và sau đó mở phiên tòa tuyên án tử hình chị. Nhưng vì không dám thi hành bản án tử hình đối với người chưa thành niên nên chúng tiếp tục giam chị ở đây chờ cho chị đủ tuổi, rồi đưa ra Côn Đảo đợi ngày thi hành án. 4 giờ sáng ngày 23-1-1952, sau khi viên chánh án làm thủ tục thi hành án, viên cố đạo lên tiếng: “Bây giờ cha rửa tội cho con”.
Chị gạt phắt: “Tôi không có tội. Chỉ có kẻ sắp hành hình tôi đây mới là có tội...”. Cha cố kiên nhẫn thuyết phục: “Trước khi chết, con có điều gì ân hận không?”. Chị nhìn thẳng vào mặt ông và viên chánh án: “Tôi chỉ ân hận là chưa tiêu diệt hết bọn thực dân cướp nước và lũ tay sai bán nước”. Và người nữ anh hùng kiên trung, không một bước lùi trước những đòn tra tấn hung bạo nhất của kẻ thù đã đón cái chết như đi đến buổi bình minh, trở thành biểu tượng của sự bất khuất.
Hôm nay, Côn Đảo linh thiêng vẫn còn lẩn khuất vẻ u hoài của một mảnh đất với quá khứ đau thương đầy máu. Nghĩa trang Hàng Dương trầm mặc, hàng ngàn ngôi mộ có tên và không tên tĩnh lặng dưới quốc kỳ, khói hương quấn quít lên trời. Tiếng chuông nơi đền thờ Côn Đảo rền vang, vọng vào ngọn Ma Thiên Lãnh từng hồi bất tận: “Ngày hôm nay: Chuông vang xa từ hòn đảo anh linh. Chuông vang vọng giữa bầu trời đại nghĩa. Hơn trăm năm chí lớn anh hùng. Hơn hai vạn hồn thiêng liệt sĩ. Trên không trung rực sáng những vì sao. Dưới địa ngục dìm sâu bầy ác quỷ… Rồi mai đây: Tưởng người xưa càng nặng ân tình. Nhìn đất cũ, chưa khô huyết lệ. Trên quê hương thắng lợi phồn vinh. Giữa thế giới hòa bình hữu nghị. Tiếng chuông đồng mãi mãi vọng tiền nhân. Gương Côn Đảo đời đời soi hậu thế” (GS Vũ Khiêu)…
Chiến tranh đã lùi xa. Sau hơn 30 năm trời đã trong xanh. Hôm nay, ngày sắp cùng tháng sắp tận, trời đất linh thiêng, chúng ta - mỗi người con đất Việt, xin thắp nén nhang trầm nghiêng mình trước vong linh hàng vạn những người con ưu tú đã hy sinh để giữ mãi hình hài Tổ quốc.
Tác giả: Admin
Nguồn tin: Báo SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn