Kỳ 3: Khúc tráng ca trên biểnBến Đầm, Đầu Mom và cuộc chiến tay khôngNgày 10-12-1952, đợt gió chướng thứ ba bắt đầu thổi về. Đúng 11 giờ trưa ngày 12-12-1952, theo quy định của Đảo ủy, chiếc khăn trắng buộc trên đầu Đảng ủy viên Phan Du từ Bến Đầm vung lên và quay vòng cùng tiếng thét hô xung phong của 28 đội xung kích quyết thắng. Toàn bộ binh lính của trung đội Âu phi mạnh nhất đảo làm nhiệm vụ giữ tù ở Bến Đầm nhanh chóng bị trói gọn. Tên chỉ huy Bóc-đờ-sun đứng trên mỏm đá cách đó không xa kinh hoàng tháo chạy chỉ kịp với khẩu súng, quần đùi. Đoán được từ trước, Đại đội trưởng Hoàng Tiễn và tổ “khóa đuôi” không phải đuổi mà bức hàng. Đến chân cầu 4m, Bóc-đờ-sun nộp súng và xin hàng. Trận đánh ở Bến Đầm đã toàn thắng, đạt yêu cầu “3 không”: Không nổ súng, không thương vong và không một tên địch chạy thoát.
Trong khi đó ở kíp Đầu Mom, do một vài tổ xung kích không bám sát địch nên đã xảy ra vật lộn và nổ súng. Về trận đánh này, cựu tù Nguyễn Đình Điệp, Tiểu đội trưởng của Đại đội xung kích Đầu Mom trong một bài viết đã thuật lại: “Chớp nhoáng và dồn dập như vũ bão, hai tiểu đội thốc thẳng vào hai cửa, hai tiểu đội khác bọc đầu lán. Cùng lúc ấy, bọn lính cũng xông ra. Sự chủ động hoàn toàn không còn nữa nên giữa ta và địch diễn ra cuộc vận lộn, giáp lá cà. Anh Hãn lao vào cửa xô thẳng vào một tên lính da đen, nó đã cầm được súng và bắn ngay vào đầu Hãn, làm anh ngã gục. Tôi vừa nhao ra chỗ tên lính đó thì nó cũng vừa bị một phát đạn và gục xuống bên anh Hãn. Tôi tước súng và rượt theo một tên lính vừa tháo chạy. Nó lao thục mạng ra bờ đường, sát vách đá dựng đứng với mặt nước biển. Có lẽ nó định nhảy xuống tầng đá dưới thềm đường để thoát nhưng đã ngã xuống vực biển. Sau trận đánh mới biết còn một tên nữa cũng ngã xuống vực, 2 tên bị bắn chết, 2 tên bị bắt sống, chạy vào rừng trốn thoát một tên. Về phía ta, anh Hãn hy sinh, anh Đặng bị thương vào đầu gối. Trận đánh diễn ra chớp nhoáng, có vài phút”.
 |
Bến Đầm nơi xuất phát cuộc vượt Côn Đảo ngày 12-12-1952 |
Việc kíp Đầu Mom để một tên lính chạy thoát là tình huống diễn ra ngoài dự kiến. Đồng chí Bí thư Đảo ủy và các đồng chí lãnh đạo khác ở khu vực Bến Đầm có cuộc hội ý cấp tốc và quyết định không đánh về trung tâm Côn Đảo vì khả năng địch đã không bị bất ngờ và chỉ đi theo phương án 2 là giải thoát bộ phận.
Bộ phận làm công tác binh vận đã giải thích cho số lính Âu Phi bị ta bắt sống về chủ trương vũ trang kháng chiến giải phóng tù nhân và chính sách nhân đạo đối với tù hàng binh của Bộ đội Cụ Hồ. Ta trả lại cho họ đầy đủ tư trang, cho họ ăn uống và chịu trói chặt để tù nhân vượt biển. Tên chỉ huy người da trắng Bóc-đờ-sun cảm động xin tặng các chiến sĩ ta một chiếc la bàn, một tấm bản đồ, chiếc phao và ngỏ ý muốn theo đoàn vượt biển về đất liền theo kháng chiến.
16 giờ ngày 12-12, năm khung thuyền lớn có đủ buồm chèo, mỗi thuyền còn được ốp thêm 2 bó nứa và 8 thùng loại 20 lít 2 bên đề phòng khi có gió to khỏi bị lật úp đã sẵn sàng. Anh em dùng ô tô tước được của địch chở người và thuyền ra tận Bến Đầm và hạ thủy an toàn.
Cuộc vượt biển bắt đầu.
Những người hùng giữa biển khơiSau khi 5 thuyền ra khơi thì gió bỗng lặng dần rồi đổi hướng. Cả đoàn thuyền chật vật suốt đêm nhưng chưa qua được lớp sóng đất. Ba thuyền bị vỡ cách bờ không xa, một số người bơi được vào bờ, số khác do sức yếu, bị cảm lạnh đã chìm ngay tại chỗ. Trước khi thuyền chìm, nhiều người tự nguyện nhảy xuống biển hy sinh thân mình cho nhẹ thuyền để các đồng chí khác có cơ hội sống. Trên thuyền số 1 có 5 đồng chí quyết tử, xung phong nhảy xuống biển để bảo vệ lãnh đạo và những anh em còn lại. Đội trưởng đội quyết tử Nguyễn Hòa tức Đinh Văn Nhạ ôm phao cá nhân, lặng lẽ lao xuống biển giữa đêm đen dày đặc, 4 đồng đội theo sau anh. Nước vẫn tràn vào, thuyền chìm dần, mấy người nữa tiếp tục nhảy xuống biển. Trong đó có đồng chí Văn (tức Lê Văn Hiến), Bí thư Đảo ủy. Một số người được thuyền khác kéo lên còn phần lớn bị sóng cuốn đi vì kiệt sức và hy sinh anh dũng.
Theo Báo cáo số 2270-P của Giám đốc nhà tù (được lưu trong hồ sơ của Trung tâm lưu giữ Nhà nước II) thì có tất cả 198 người vượt đảo, trong đó có 4 tù án (2 lái ô tô và 2 lái xe lu). Con số bị bắt lại cho đến ngày 5-1-1953 là 117 người. |
Ông Đoàn Duy Thành kể lại trường hợp hy sinh của người em họ mình: “Nguyễn Tiến Long tức Hồng Long là em con cô của tôi cùng đi trên thuyền số 3. Sau này anh Vũ Bổn có kể lại, trước khi hy sinh, Long gửi lời chào vĩnh biệt tới đồng đội, gia đình và hô to: “Hồ Chủ tịch muôn năm”. Vũ Bổn mà ông Đoàn Duy Thành nhắc đến cũng là một trường hợp sống đặc biệt hy hữu trong vụ vượt ngục. 8 ngày sau khi thuyền đắm, ông vẫn sống sót và bị bắt lại đảo. Trong hồi ký của mình, ông cũng thuật lại câu chuyện thời điểm thuyền vượt ngục số 3 bị đắm và hành động lẫm liệt của Nguyễn Tiến Long - Hồng Long: “Nước vào thuyền ngày càng nhiều, sức người tát không kịp. Không một tiếng kêu la, mọi người bảo nhau nhìn hướng ngôi sao Đại Hùng và bơi ngược lại. Tất cả chúng tôi rất bình tĩnh giữa lúc bàn tay thần chết đang giơ tay lên nắm chặt mạng sống của mình. Bỗng Hồng Long hô lớn: “Hồ Chủ tịch muôn năm!”. Sau tiếng hô Hồng Long nhoài người bơi ngược về phía đảo. Mọi người, rồi cả tôi nữa cũng nhoài khỏi thuyền và bơi. Không có một mảnh phao. Có vài đồng chí bơi gần tôi, lúc đầu tôi còn nhìn thấy cái đầu nhấp nhô gối sóng, song chỉ lát sau không thấy đâu nữa”…
Hai thuyền không bị đắm, một thuyền do ông Phạm Quý Tuyển, một do ông Hoàng Văn Tiễn chỉ huy. Ông Tiễn nhớ lại: “Sau hơn một ngày đi biển, sóng to, thuyền lắc, lại lao động quá sức, hầu hết mọi người đều say sóng, nôn mửa, người mệt lả. Tuy vậy chúng tôi vẫn động viên nhau chèo, lái, tát nước không ngừng tay, điều khiển cho thuyền đi vào hướng Tây nhưng gió Đông Bắc thổi bạt đi nên thuyền vẫn lênh đênh giữa trùng khơi. Sang chiều ngày 14-12, bỗng từ xa xuất hiện một chấm đen phía chân trời Đông Bắc. Phán đoán có máy bay, anh em hạ buồm ngụy trang. Nhưng địch đã phát hiện, từ máy bay chúng ném quả pháo hiệu, cột pháo vút cao lên không trung. Chúng tôi nhanh chóng quyết định: Phải bình tĩnh để ứng phó. Có đồng chí hăng hái, yêu cầu đánh và chấp nhận hy sinh. Tôi phân tích: Ta có 7 khẩu súng trường đã ngấm nước, mọi người đã xuống sức, nếu đối đầu sẽ thất bại nhanh chóng, hy sinh không cần thiết. Người chiến sĩ sẵn sàng chết cho một yêu cầu nào đó của cách mạng, chứ không chết vô ích. Phải duy trì sự sống, “thua keo này, bày keo khác”. Tôi quay sang anh Lê Ngọ, Chi ủy viên, người có tuổi Đảng cao nhất trên thuyền lúc ấy: Ý kiến anh Ngọ thế nào? Anh Ngọ đồng ý và tôi cho anh em thả súng xuống biển. Ngay sau đó tàu chiến địch lao thẳng về phía thuyền và bắt chúng tôi. Nhìn lên boong tàu địch, tôi đã thấy anh em mình ở thuyền anh Tuyển bị bắt lại ngồi trên đó rồi. Chúng dồn lên boong, lột áo và cho phóng thẳng về Côn Đảo. Lúc này khoảng 15 giờ…”.
Cầu tàu trước dinh chúa đảo (ảnh tư liệu)
Ngay tại cầu tàu, tên chúa đảo Giắc-ty đã chờ sẵn để chỉ huy cuộc trả thù hèn hạ các tù nhân vượt ngục bị bắt trở lại. 4, 5 chục tên lính, cai tù, giám thị được huy động đứng lố nhố hai bên cầu tàu với súng đạn, lưỡi lê, roi gậy đằng đằng sát khí. Từ độ cao 6m, chúng đẩy tù nhân xuống. Một số anh em khỏe hơn phải túm tụm lại ở bên dưới làm đệm, làm thang để đỡ nhau từ boong tàu xuống. Chân vừa tiếp đất, roi gậy, báng súng vun vút giáng xuống những thân thể còm cõi, đang mệt lả, tê cóng sau mấy ngày đêm trên biển. Chúng đánh từ cầu tàu về tận phòng khám. Anh em bị hàng trăm vết thương trên người, mặt mày ai cũng thâm tím, máu me đầm đìa, một số người gục tại chỗ được anh em khỏe hơn che chắn, đỡ đòn. Vào khám chúng lột hết quần áo, cùm chân bằng một thanh sắt to dài dọc khám. Nhiều ngày sau đó chúng không cho ăn uống và tiếp tục khủng bố, đồng thời siết chặt việc quản tù trong toàn đảo.
Chín tháng sau cuộc vượt ngục, địch điều số tù nhân vượt ngục còn sống về Sài Gòn đưa ra Tòa án binh Đông Dương. Nhờ sự giúp sức của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, anh em thống nhất khẩu cung, kiên quyết không khai việc tổ chức chỉ huy và công tác lãnh đạo cuộc vượt ngục. Địch không lên được hồ sơ cụ thể và không có căn cứ đưa ra tòa xét xử. Cho đến khi chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, buộc địch phải đưa các chiến sĩ vượt ngục về trại tù binh Đông Dương và trao trả cho Chính phủ ta. |
--------------