Đại lý chính thức vé tàu cao tốc Côn Đảo Express 36

Cảng Bến Đầm Côn Đảo : Áo chật chờ nới

Thứ ba - 04/01/2011 08:35

Cảng Bến Đầm Côn Đảo : Áo chật chờ nới

Nằm gọn trong vịnh Bến Đầm, xung quanh được bao bọc, che chắn bởi các dãy núi, cảng Bến Đầm được đánh giá là có vị trí đắc địa để cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho tàu thuyền. Tuy nhiên, với thiết kế hiện tại, cảng chỉ có thể là nơi trú bão đơn thuần.

Ngay từ ban đầu khi đầu tư xây dựng cảng, các nhà quản lý chỉ tính đến việc xây dựng cảng phục vụ nhu cầu vào neo đậu tránh trú bão, tiếp nhận nguyên nhiên liệu, và bốc dỡ một phần nguyên liệu đánh bắt của một số tàu thuyền hoạt động tại khu vực Côn Đảo, nên trên tổng chiều dài khu vực cảng trên 2 km chỉ được đầu tư xây dựng 1 cảng cá ở tầm nhỏ, với 220 m cầu dẫn, 82 m cầu bến.

Cảng tổng hợp “bất đắc dĩ”

Với độ dài cầu bến như vậy, mỗi lần cảng chỉ có thể tiếp nhận được khoảng 20 tàu từ 150 đến 600 mã lực. Tổng diện tích mặt bằng bãi hàng chỉ rộng khoảng 2.600 m2, khả năng đáp ứng cho nhu cầu bốc dỡ, tiếp nhận nguyên nhiên liệu cũng hạn chế.

Đáng nói là ngay sau khi đi vào hoạt động (năm 2000), cảng Bến Đầm đã trở thành điểm ra vào chính của hàng ngàn lượt tàu bè, kể cả tàu khách quốc tế. Hoạt động trung chuyển hàng hóa, hành khách, giao dịch, buôn bán thủy sản và cung ứng các dịch vụ hậu cần nghề biển cho ghe tàu của tỉnh và các tỉnh lân cận đánh bắt tại vùng biển trở nên rất sôi động. Chính từ nhu cầu thực tế này, Cảng Bến Đầm đã “bất đắc dĩ” trở thành cảng tổng hợp với đầy đủ các chức năng như: Bốc xếp hàng hóa, cho thuê phương tiện vận chuyển xếp dỡ, cung ứng hậu cần nghề cá, vận chuyển khách du lịch, tiếp nhận tàu thuyền... Ban quản lý cảng cũng đã phải trang bị 2 cẩu bờ, 3 xe nâng, 1 canô, để thực hiện các dịch vụ tại cảng. Cảng Bến Đầm Côn Đảo vì thế đã và đang quá tải trầm trọng. Vào những vụ đánh bắt chính, ghe tàu vào nhiều, phải chờ đợi 2-3 ngày mới đến lượt vào lấy phí tổn. Đặc biệt, những đợt cao điểm như mùa gió bão hiện nay thì cảng phải gồng mình chứa tới hàng ngàn tàu đánh cá vào neo đậu tránh trú. Mặc dù Ban quản lý cảng và lực lượng Biên phòng cảng cũng cố gắng sắp xếp cho tàu neo đậu theo trật tự: vào trước đậu trước, đến sau đậu sau, song tình trạng chen lấn, gây va chạm, mất trật tự dưới thuyền, trên bến là chuyện khó tránh.

Ông Đặng Kiều Hưng, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Bến Đầm, đồn Biên phòng 540 cho biết: Vào thời điểm tàu vào đông, nếu các chủ ghe nhường nhau thì không sao, còn nếu chen lấn tranh nhau để vào trước thì rất dễ xảy ra va chạm, khi đó chúng tôi lại phải đứng ra giải quyết. Những lúc biển động thì có tới hàng ngàn tàu vào, tình hình an ninh trật tự tương đối phức tạp. Va chạm thường xuyên xảy ra, thậm chí có khi va chạm lớn, gây hư hỏng, thiệt hại, phải đưa ra chính quyền giải quyết. Thậm chí, một số ngư dân lên bờ uống rượu say, gây rối trật tự công cộng. Các lực lượng chức năng chúng tôi rất vất vả để có thể giữ gìn được an ninh trật tự cho bến cảng.

 

Chờ ít nhất 2 năm

Theo ông Đinh Quang Đông, Giám đốc Ban quản lý cảng Bến Đầm Côn Đảo, do mục tiêu ban đầu xác định chỉ là cảng chuyên dụng nghề cá, mới chỉ tiếp nhận được tàu 2.000 tấn, nên chưa tận dụng hết lợi thế của khu vực vịnh Bến Đầm để phục vụ phát triển kinh tế của huyện Côn Đảo. Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách ra vào thông qua cảng ngày càng lớn. Bình quân sản lượng hàng hóa thông qua xấp xỉ 300.000 tấn/năm; hành khách gần 50.000 lượt. Doanh số thu từ các dịch vụ đạt gần 5 tỷ đồng/năm, chưa kể dịch vụ nước đá và xăng dầu với sản lượng thông qua bình quân khỏang 1,6 triệu cây nước đá và 8 – 10 triệu lít xăng dầu/năm.

Để thay chiếc áo đã quá chật đối với cảng Bến Đầm Côn Đảo, UBND tỉnh đã có chủ trương cho phép đầu tư nâng cấp, mở rộng cảng Bến Đầm trở thành cảng tổng hợp với quy mô lớn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của huyện. Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn cũng đã quyết định đầu tư xây dựng khu tránh trú bão tại khu vực vịnh Bến Đầm. Ngày 11/12/2010, dự án xây dựng khu neo đậu tránh trú bão Bến Đầm Côn Đảo đã được khởi công xây dựng. Theo đó, nạo vét luồng lạch, lòng vịnh từ khu vực cảng hiện hữu ra Cửa Tử bình quân ở độ sâu -7,5 m và lắp đặt phao neo... Tổng kinh phí đầu tư khoảng 197 tỷ đồng. Phần mở rộng cảng Bến Đầm với tổng mức đầu tư khoảng 100 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục: mở rộng cầu cảng ra phía vịnh Bến Đầm từ 100 đến 120 mét, nâng tổng chiều dài cầu cảng lên tứ 180-200 m, tiếp nhận tàu 20.000 tấn; Xây dựng khoảng 1.000 m bờ kè; San lấp thêm 15 ha bến bãi, nâng tổng diện tích bến bãi lên 18 ha, trong đó khoảng trên 5.000 m2 dành cho bãi tập kết hàng hóa.

Theo kế hoạch, đến năm 2013, dự án tránh trú bão hoàn thành công tác đầu tư. Khi đó dự án nâng cấp cảng Bến Đầm cũng sẽ được khởi công và sự kiến sẽ hoàn thành sau 2 năm xây dựng. Sau khi hoàn thiện đầu tư 2 dự án liên hoàn này, hậu cần nghề cá ở đây mới có thể có điều kiện để phát triển mạnh, đáp ứng đủ nhu cầu của ghe tàu trong và ngoài tỉnh hoạt động tại khu vực, đồng thời thúc đẩy một số dịch vụ khác phát triển, tạo điều kiện cho ngành kinh tế dịch vụ tại Côn Đảo phát triển mạnh mẽ.

Tác giả: Hà My

Nguồn tin: Báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây